Dù được các cấp chính quyền và ngành giáo dục quan tâm đầu tư, nhưng các trường, các địa phương, đặc biệt ở vùng núi, vùng khó khăn vẫn mang chung trăn trở để tìm cách vượt qua những khó khăn, bất cập về phòng học, CSVC... Chia sẻ với phóng viên Báo Quân đội nhân dân trong chuyến khảo sát trước thềm năm học mới, các trường đều khẳng định: Đủ điều kiện về CSVC, thiết bị và công nghệ trong dạy và học là một trong những vấn đề then chốt để thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018.

Bài 1: Bao giờ... được như miền xuôi?

Năm học mới đã cận kề, các trường học ở miền núi, vùng biên giới đang khẩn trương sửa sang trường lớp, rà soát trang thiết bị phục vụ dạy học để đón học sinh tựu trường. Niềm vui xen lẫn nỗi lo khi nhiều nơi CSVC, trang thiết bị đáp ứng Chương trình GDPT 2018 vẫn đang... đợi triển khai.

Thiếu từ phòng học đến phòng chức năng

Những ngày giữa tháng 8, đường lên trung tâm huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu ngập trong mây và sương. Theo Google Maps, chúng tôi lái chiếc xe máy trườn trên con đường gập ghềnh nảy xóc. Đang loay hoay thì được người dân chỉ dẫn, nếu không muốn “nát” xe thì quay lại, đi con đường mới xa hơn 10km. Bon bon trên con đường nhựa vẫn còn thẫm màu, lòng mừng khấp khởi, giao thông phát triển, hẳn đời sống người dân sẽ có nhiều đổi thay.

Giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học Phăng Sô Lin dọn dẹp bàn ghế chuẩn bị đón học sinh. 

Nằm ngay trên lộ chính dẫn vào trung tâm huyện Sìn Hồ, Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú Tiểu học Phăng Sô Lin thuộc xã Phăng Sô Lin được đầu tư khá khang trang. Không khí bận rộn, khẩn trương chuẩn bị cho năm học mới đang được cán bộ, giáo viên nhà trường triển khai. Năm học này, trường sẽ đón hơn 30 học sinh lớp 3 đang học ở những điểm lẻ về điểm trường trung tâm. Các em sẽ học môn Ngoại ngữ và Tin học theo Chương trình GDPT mới bắt đầu từ năm nay. Cô giáo Hoàng Kim Oanh, Hiệu trưởng nhà trường khoe, sắp tới, từ nguồn xã hội hóa, trường sẽ có 22 máy tính, đủ để tổ chức thành phòng Tin học theo quy định hiện hành. Háo hức là thế, nhưng niềm vui của cô và trò vẫn là sự mong đợi bởi hiện tại phòng Tin học vẫn trống trơn dù hệ thống điện đã được đi dây gọn gàng, sẵn sàng từ lâu.

Cô Oanh băn khoăn, sau khi số học sinh lớp 3 chuyển về, phòng học Âm nhạc sẽ phải nhường chỗ thành phòng học chung; còn nhà ăn được tận dụng làm phòng học Âm nhạc. Chưa kể, thêm học sinh về, 8 phòng ở bán trú lợp mái tôn hiện tại sẽ phải gánh gần 190 em, trong điều kiện chỉ đáp ứng được tối đa 160 học sinh. “Phòng học còn chưa đủ thì nói gì đến việc đáp ứng các yêu cầu về phòng học chức năng. Chương trình học đề ra như vậy nhưng thực tế CSVC của trường chưa đáp ứng được. Có những cái khắc phục được, nhưng có những thứ không thể khắc phục được. Đây là phương án tạm thời để các em có chỗ học”, giọng cô Oanh chùng xuống. Rồi dường như đã quen với việc tìm cách khắc phục khó khăn, cô lại tươi cười nói: “Thôi, khó đến đâu lại gỡ đến đó. Trước đây khi chương trình GDPT mới triển khai ở lớp 1, chúng tôi thấy rất khó khăn, nhưng rồi cũng gỡ dần dần. Trong cái khó sẽ ló cái khôn”.

Năm nay, học sinh Trường PTDT bán trú THCS Tả Ngảo, xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ không còn cảnh học ca ba vào buổi tối vì thiếu phòng học. Trường vừa được đầu tư xây dựng dãy phòng học mới, nâng tổng số phòng lên 10 phòng, đáp ứng cho 14 lớp học, thực hiện dạy 2 buổi/ngày. Thầy giáo Đoàn Hồng Tuyển, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, ngoài phòng Tin học vừa được trang bị, các phòng học chức năng khác, trường đều chưa có.

Tiết trời Sìn Hồ vừa mưa, vừa nắng khiến căn phòng chứa 26 chiếc máy tính mới nồng lên mùi ẩm của vỏ hộp máy. Tôi hỏi thầy: “Những học sinh lớp 6 năm ngoái phải học Tin học “chay” sao?". Thầy Tuyển đáp: “Học sinh miền núi học trừu tượng thì sao mà hiểu được. Thế nên trường không tổ chức dạy môn này. Mục tiêu của chương trình vì thế chưa đạt được. Đôi khi CSVC có nhưng “ào” một cái phải dạy thì lấy đâu ra giáo viên. Chương trình cũng yêu cầu dạy tiếng Anh từ lớp 3, nhưng thực tế chúng tôi không có giáo viên. Đó là tình trạng chung của nhiều trường trong huyện. Việc này phải có lộ trình. Kinh phí phải ưu tiên cho các trường chuẩn trước. Trường mình lộ trình chuẩn đến năm 2025”, sự chia sẻ với niềm hy vọng ấy trong giọng nói của thầy Tuyển khiến chúng tôi không khỏi suy nghĩ. Từ giờ đến lúc đó là 3 năm nữa, vậy những đứa trẻ trong thời gian ấy sẽ học ra sao, thiệt thòi chắc sẽ còn nhiều, mục tiêu Chương trình GDPT 2018 có lẽ vẫn còn xa với không ít học sinh vùng cao.

Thiết bị xuống cấp

Cách Lai Châu hơn 600km, trên địa bàn huyện biên giới Mường Lát, Thanh Hóa, tình trạng về CSVC còn bi đát hơn, nhiều trường học xuống cấp. Tại một số điểm trường lẻ thuộc các bản đặc biệt khó khăn, nhiều phòng học rơi vào tình trạng hư hỏng, thiếu trang thiết bị dạy học làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy, học của học sinh, giáo viên vùng biên giới đặc biệt khó khăn.

Toàn tỉnh Thanh Hóa hiện còn khoảng 800 phòng học tạm bợ, 2.700 phòng học bán kiên cố xuống cấp, hơn 500 phòng học nhờ, chủ yếu tại các huyện miền núi Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh. Nếu chiếu theo Thông tư số 13 và 14/2020-TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) với những yêu cầu về CSVC, không biết bao giờ học sinh những vùng này mới có thể theo kịp.

Điểm trường lẻ khu bản Cặt, thuộc Trường Tiểu học Nhi Sơn, huyện biên giới Mường Lát, Thanh Hóa những ngày này đang dọn dẹp tích cực. Nhưng do sử dụng đã lâu nên các phòng học đều xuống cấp, cửa kính bị hỏng, thiếu trang thiết bị dạy học và nhà hiệu bộ cho giáo viên. Mặt khác, điểm trường Cặt nằm ở vị trí trũng, thấp, xung quanh là nhà dân, rác thải nên điều kiện môi trường không bảo đảm, ảnh hưởng đến việc học tập và giảng dạy khi năm học mới đã cận kề. Thầy giáo Lê Trọng Đại, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nhi Sơn nói rằng: “Nhà trường đã báo cáo chính quyền địa phương xin xây mới hai phòng học. Trong khi đợi phê duyệt, trường phối hợp ban quản lý tổng dọn vệ sinh, cơ bản đủ điều kiện cho các cháu đón năm học mới”.

Gần đó, Trường Mầm non Nhi Sơn, huyện Mường Lát cũng trong tình trạng xuống cấp tương tự. Điều kiện thời tiết mưa bão khắc nghiệt càng khiến những phòng học cấp 4, những phòng học lắp ghép hư hỏng, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của học sinh, giáo viên. Chỉ những chỗ sụt lún ở hè, dột nứt trong lớp học, cô Tống Thị Ninh, Hiệu trưởng Trường Mầm non Nhi Sơn, cho biết: “Chúng tôi đang tìm mọi cách khắc phục, cố gắng đáp ứng các điều kiện cơ bản để các cháu không bị mưa những ngày sắp tới”.

Để giải quyết vấn đề trước mắt, ông Mai Xuân Giang, Phó chủ tịch UBND huyện Mường Lát, Thanh Hóa, quả quyết: Chuẩn bị năm học mới, UBND huyện đang rà soát, đánh giá các đơn vị trường học cần đầu tư xây mới phòng học, đồng thời gấp rút triển khai những dự án mới được phê duyệt để đưa vào sử dụng năm học 2022-2023.

Không chỉ những trường khu vực biên giới, ngay cả ngôi trường nằm trong tốp 3 của tỉnh Lai Châu cũng không có đủ phòng học chức năng, thiết bị dạy học theo lộ trình đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Thầy giáo Hà Giang Nam, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Lư, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, nói với chúng tôi giọng đầy băn khoăn: “Trường đã được quan tâm đầu tư, về cơ bản đáp ứng được các điều kiện dạy học mới. Tuy nhiên, nếu để đáp ứng đúng theo yêu cầu của chương trình thì chúng tôi chưa có. Năm học này, trường không bố trí dạy môn Mỹ thuật, Âm nhạc vì không có giáo viên và phòng học chức năng...”.

Năm học 2022-2023 đã đến, mặc dù các đơn vị vẫn đang nỗ lực mua sắm, sửa sang CSVC, dọn dẹp vệ sinh nhưng với nhiều trường học vùng núi, biên giới, việc đáp ứng những yêu cầu tối thiểu trong dạy học vẫn là những kế hoạch rất bộn bề.

Chương trình GDPT 2018 đã được triển khai ở lớp 1 từ năm học 2020-2021; lớp 2 và lớp 6 từ năm học 2021-2022; năm học 2022-2023 sẽ là lớp 3, 7 và 10. Căn cứ mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá của Chương trình GDPT 2018, CSVC, thiết bị trong dạy học và giáo dục, theo quy định cần bảo đảm yêu cầu tối thiểu 0,6 phòng/lớp. Có đủ các phòng học bộ môn: Âm nhạc, Mỹ thuật, Công nghệ, Khoa học tự nhiên, Tin học, Ngoại ngữ, phòng đa chức năng. Điểm đổi mới quan trọng trong chương trình là giáo viên sẽ cần nhiều thiết bị dạy học đa phương tiện và công nghệ thông tin, tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm thực tế, trực quan mô hình, đồ dùng học tập mà không phải chỉ ngắm nhìn qua sách vở.

      

Phóng sự của THU HÀ - ĐỖ TRANG