Là giáo viên dạy giỏi lớp 4, lớp 5 nhiều năm liền nhưng cô Kim Anh cho rằng, nếu rèn được từ lớp 1 thì học sinh sẽ đỡ vất vả hơn ở những năm học sau. Vì thế, khi được phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp 1, cô dành mối quan tâm nhiều hơn.
Đặc điểm của học sinh lớp 1 là tuổi nhỏ, vừa bước qua cánh cửa mẫu giáo, vẫn cần những chăm chút nhỏ nhặt nên cô thường xuyên kiểm tra, chấm, chữa bài đều đặn để phát hiện kịp thời những trường hợp học sinh còn hạn chế hoặc chưa hoàn thành nhiệm vụ. Những em này được cô đặc biệt quan tâm và tỉ mỉ rèn giũa, uốn nắn từ nét chữ đến dáng ngồi. Đầu năm học trước, em Hà Hoàng Nam (thôn Đầm Sản) và em Lê Minh Bảo (thôn Nội), học sinh Lớp 1A, Trường Tiểu học Minh Quang A đọc, viết rất chậm. Qua quá trình rèn luyện của cô, cả hai em đều đã đọc được. Em Hoàng Nam chữ viết sạch đẹp, tiến bộ. Cuối năm, cả hai bạn đều được xét lên lớp. Biết học sinh thích được khen, cô luôn động viên các em làm đầy đủ và không bỏ bài, cố gắng trình bày, giữ sách, vở sạch sẽ... Cô luôn chuẩn bị sẵn một số bọc vở, đồ dùng để sách của học sinh không bị rách. Những học sinh có tiến bộ, cô khen thưởng, động viên kịp thời nên các bạn khác nhìn theo và ai cũng muốn cố gắng để được cô khuyến khích.
 |
Con đường đến trường của các em học sinh miền núi Nam Trà My. Ảnh minh họa: Dân trí. |
Trường Tiểu học Khánh Thượng B (xã Khánh Thượng) và Trường Tiểu học Minh Quang A (xã Minh Quang) đều thuộc hai xã miền núi nằm ở sườn Tây núi Ba Vì. Hai ngôi trường đều có đông học sinh người dân tộc với điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Tại nhiều gia đình, các em học sinh chỉ ở với ông bà vì bố mẹ đi làm xa. Hiểu được những khó khăn đó, cô luôn đồng hành và động viên các em. Cô cũng chuẩn bị một số bút, tẩy cho học sinh mượn. Đôi khi, cô dành tặng cho những em có hoàn cảnh khó khăn để các em có bút viết và hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập. Anh Hà Văn Vinh, phụ huynh em Hà Hoàng Nam, chia sẻ: “Vì điều kiện, hoàn cảnh gia đình nên vợ chồng tôi phải thường xuyên đi làm ăn xa, không có nhiều thời gian để quan tâm, bảo ban việc học hành của con. Nhờ sự giúp đỡ của cô Kim Anh nên cháu đã tiến bộ rất nhiều. Tấm lòng của cô dành cho học trò thật đáng quý”.
Cô Nguyễn Thị Kim Anh là người đi đầu trong phong trào cưu mang, giúp đỡ học sinh yếu từ những ngày đầu về trường. Hằng ngày, tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường đều dành thêm 15 phút mỗi buổi sáng để bồi dưỡng cho những học sinh này.
Bận rộn với công việc ở lớp nên đồng nghiệp thường rất ít khi thấy cô trong những giờ nghỉ, giờ ra chơi. Lúc đầu, họ còn thắc mắc, nghi hoặc, nhưng về sau mới biết cô Kim Anh tranh thủ thời gian đó để giúp đỡ học sinh hay vệ sinh lớp học vì các em học sinh lớp 1 còn nhỏ, chưa tự làm được hoặc làm chưa sạch. Cô Kim Anh tâm sự: “Môi trường lớp học luôn gọn gàng, sạch đẹp cũng là cách để cô rèn cho học sinh thói quen ngăn nắp, khoa học. Khi học sinh có thói quen tốt, lâu dần sẽ thành tính cách và đó là điều tôi cần cố gắng để tạo nền móng cho học sinh của mình. Bên cạnh đó, ở trong một lớp học thông thoáng, gọn gàng như vậy giúp tôi làm việc hiệu quả hơn và học sinh học tập cũng tốt hơn”.
NGUYỄN HUY HÙNG