Từ những nhóm nhà trẻ, mẫu giáo ban đầu được dựng lên để giúp người lao động trong đơn vị yên tâm lao động sản xuất, dần dần, các hộ dân sống ở vùng lân cận nơi đơn vị đóng quân cũng tin tưởng xin được gửi con vào các lớp học nơi đây. Đến nay, Trường Mầm non Sao Mai đã mở rộng gồm 5 điểm trường với tổng diện tích 2.580m2. Các phòng học được xây kiên cố, có hệ thống mái che khu sân chơi, vườn hoa và cây bóng mát, hệ thống nước lọc và công trình vệ sinh khép kín. Đây là cơ sở tiền đề quan trọng để nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, trở thành điểm sáng trong công tác giáo dục mầm non trên địa bàn các xã biên giới.
Trường Mầm non Sao Mai đứng chân trên địa bàn hai xã Quảng Tâm và Quảng Trực của huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Đây là địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn nơi biên giới của Tổ quốc, là nơi sinh sống của 20 dân tộc anh em, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống bà con còn nhiều thiếu thốn, đường sá đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt nên việc triển khai công tác giáo dục mầm non của đơn vị còn gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, gần 200 học sinh của 5 điểm trường khi đến lớp học luôn được chăm sóc tận tình, chu đáo. Ngoài ra, theo định kỳ, các em còn được khám, chữa bệnh, quan tâm về khẩu phần ăn bảo đảm đủ dinh dưỡng. Vào mùa vụ, nhà trường tổ chức nhận trẻ sớm và chờ phụ huynh đón trẻ khi công việc lao động, sản xuất trong ngày đã xong.
 |
Niềm vui của cô và trò Trường Mầm non Sao Mai, Trung đoàn 726, Binh đoàn 16 trong tiết học ngoại khóa. |
Làm quen với một đứa trẻ không khó, nhưng để trẻ yêu thương, gần gũi với cô giáo là một việc khó, nhất là với những em bé đang học cách lớn lên. Là những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho sự phát triển nhân cách của trẻ, quá trình chăm sóc giáo dục trẻ ở độ tuổi mầm non đòi hỏi người giáo viên phải cần mẫn, chu đáo và hết lòng yêu thương trẻ. Với quan điểm đó, mỗi ngày qua đi là mỗi ngày các cô giáo ở Trường Mầm non Sao Mai luôn dành thời gian để quan sát, lắng nghe, chia sẻ để có thể hiểu trẻ hơn. Những học sinh theo học ở các điểm trường đa phần là người dân tộc thiểu số, mới đầu hầu như không nói và không hiểu được tiếng phổ thông. Vì vậy, các cô giáo phải dạy song ngữ và kèm theo những bức tranh, hình minh họa để các con dễ hiểu. Cứ như thế, các con ngày một tiến bộ, nhanh nhẹn, ngoan ngoãn, biết nghe lời cô giáo. 19 năm gắn bó với các em nhỏ nơi đây, Thiếu tá QNCN Cao Thị Hiếu, giáo viên Trường Mầm non Sao Mai cho biết: "Nhiều năm gắn bó với vùng biên đủ để tôi thấu hiểu và thông cảm với hoàn cảnh của người dân nơi đây. Vì vậy, chúng tôi luôn dành tình yêu thương, sự chăm sóc thật nhiều cho các em nhỏ như những đứa con của mình với mong muốn các em được phát triển toàn diện và đầy đủ nhất trong khả năng chúng tôi có thể".
Bên cạnh việc giảng dạy, bữa ăn bán trú của các con ở trường cũng được đặc biệt quan tâm. Làm thế nào để các bạn nhỏ ăn ngon, ăn hết khẩu phần, đủ dinh dưỡng để học tập, vui chơi? Đó là điều các thầy cô nhà trường luôn trăn trở. Với tinh thần đó, trường đặc biệt chú trọng ngay từ khâu lựa chọn thực phẩm kết hợp với thực đơn khoa học, phù hợp với độ tuổi của các em. Để khắc phục phần nào tình trạng thiếu thốn về trang thiết bị dạy học, đồng thời tạo hứng thú cho các con khi tham gia các hoạt động ở lớp, bằng tình yêu thương con trẻ và sự khéo léo của đôi bàn tay, các cô giáo đã tạo ra những con vật, bông hoa, ngôi nhà xinh xắn... từ những nguyên liệu tưởng chừng như bỏ đi.
Trường Mầm non Sao Mai, Trung đoàn 726, Binh đoàn 16 được thành lập là tất cả sự cố gắng của cán bộ, nhân viên, nhất là đội ngũ giáo viên của đơn vị. Bên cạnh việc quan tâm, động viên, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn, bản thân mỗi giáo viên của trường đều luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ các em nhỏ cũng như trong việc tự học hỏi, nâng cao khả năng nghiệp vụ sư phạm. Các cô giáo không chỉ là người thay bố mẹ chăm sóc các em mà còn là cầu nối giữa đơn vị và nhân dân nơi biên giới.
Bài và ảnh: SA MỘC
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.