Cô Nguyễn Thị Thu Thủy, sinh năm 1981, ở thôn Cấn Thượng, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai, Hà Nội. Năm 2004, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, cô về Trường THPT Minh Khai công tác. Đến nay, đã hơn 20 năm gắn bó với nghề “trồng người”, cô không chỉ truyền đạt kiến thức thể chất mà còn được biết đến như một nhà giáo sáng tạo, với nhiều sáng kiến ứng dụng thực tiễn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của trường.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy (phải), một tấm gương tâm huyết trong sự nghiệp “trồng người". Ảnh: AN AN

Thế nhưng, ít ai biết rằng, hành trình của cô Thủy tại ngôi trường Minh Khai không hề dễ dàng. Nhớ lại những ngày đầu nhận nhiệm vụ, cô xúc động kể: “Lúc mới về trường, tôi gặp rất nhiều khó khăn. Trường có đầu vào thuộc nhóm thấp trong khu vực, khiến nhận thức của học sinh không đồng đều. Nhiều em đang trong giai đoạn khủng hoảng tâm lý tuổi mới lớn, dễ sao nhãng học hành và khó tập trung trong giờ học”.

Là một giáo viên thể dục, cô Thủy không chỉ phải giảng dạy trên sân trường mà còn phải linh hoạt trong cách tiếp cận học sinh. Để khiến các em yêu thích môn học, cô không ngừng học hỏi từ đồng nghiệp, thử nghiệm các phương pháp giảng dạy mới và xây dựng những kế hoạch học tập phù hợp. Nỗ lực của cô đã giúp nhiều học sinh từ e ngại với thể thao chuyển sang hào hứng tham gia các hoạt động rèn luyện sức khỏe.

Khó khăn trong nghề giáo dục thể chất không chỉ nằm ở việc giảng dạy học sinh. Môn học này đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về dụng cụ, thiết bị, trong khi cơ sở vật chất tại Trường THPT Minh Khai vẫn còn hạn chế. Là một giáo viên năng động, cô Nguyễn Thị Thu Thủy thường phải tự xoay sở, tận dụng tối đa những gì có sẵn để vừa đảm bảo an toàn vừa duy trì hiệu quả giảng dạy. 

Cô Nguyễn Thị Thu Thủy cùng học sinh thân yêu của mình. Ảnh: AN AN

Không dừng lại ở chuyên môn, cô Thủy còn năng nổ trong công tác đoàn trường. Năm 2017, cô Thủy đảm nhiệm vai trò Phó bí thư đoàn trường. Qua quá trình công tác, cô nhận thấy một thực trạng đáng lo ngại là học sinh sử dụng điện thoại di động quá nhiều, dẫn đến hàng loạt vấn đề như cận thị, giảm trí nhớ, thiếu tập trung học tập và sống khép mình. Nhiều em sa vào thế giới ảo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần và kết quả học tập. 

Cùng thời điểm, Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành công văn số 3550/SGDDT- CTTT-KHCN về việc nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng điện thoại di động và các thiết bị thu, phát sóng trong nhà trường. Nhận thấy cần một giải pháp thiết thực và bền vững, cô Thủy đã nảy ra sáng kiến tổ chức sân chơi đồng diễn cho học sinh thể hiện các tiết mục dân vũ trong giờ giải lao. Với ý tưởng này, cô mong muốn giúp học sinh rời xa điện thoại một cách tự nguyện, vui vẻ và tập trung vào các hoạt động lành mạnh. 

Cụ thể, cô đề xuất tổ chức các tiết mục nhảy dân vũ và biểu diễn văn nghệ giữa giờ. Hằng ngày, trong giờ ra chơi 10 phút, học sinh sẽ tập trung tại sân trường để cùng nhảy múa hoặc thưởng thức các tiết mục do chính các bạn chuẩn bị. Ban đầu, kế hoạch này gặp không ít trở ngại. Nhiều học sinh tỏ ra e ngại, rụt rè, không dám thể hiện bản thân trước đám đông. 

Nhận ra tâm lý này, cô Thủy đã chủ động trò chuyện, tâm sự và động viên từng em. Với vai trò như một người mẹ, người bạn, cô kiên nhẫn khơi dậy sự tự tin ở các em. Chỉ sau một tuần, những tiết mục đầu tiên đã được trình diễn đầy hứng khởi. Từ sự lúng túng ban đầu, sân chơi giữa giờ nhanh chóng trở thành điểm nhấn của trường, thu hút đông đảo học sinh tham gia. 

Sáng kiến này không chỉ giúp học sinh hạn chế sự phụ thuộc vào điện thoại mà còn tạo nên bầu không khí sôi động, gắn kết tập thể. Cả phụ huynh và học sinh đều nhiệt tình ủng hộ. Nhờ vậy, Trường THPT Minh Khai đã trở thành một trong những đơn vị điển hình trong việc thực hiện công văn số 3550/SGDĐT-CTTT-KHCN. Đánh giá cao sáng kiến của cô Nguyễn Thị Thu Thủy, cô Trần Thị Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Sau khi cấp ủy thống nhất, Đoàn trường với sáng kiến khởi xướng từ cô Nguyễn Thị Thu Thủy đã triển khai sân chơi đồng diễn cho học sinh và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi mang đến niềm vui cho các em, tạo nên một môi trường học đường lành mạnh..."

Các em học sinh Trường THPT Minh Khai nhảy dân vũ vào giờ ra chơi. Ảnh: AN AN

Sự thành công của sáng kiến không chỉ minh chứng cho tâm huyết và khả năng sáng tạo của cô Nguyễn Thị Thu Thủy, mà còn cho thấy rằng với tinh thần nhiệt huyết và sự kiên trì, mọi khó khăn đều có thể vượt qua. Nhận xét về đồng nghiệp của mình, cô Vương Thị Thúy Hậu – giáo viên Ngữ văn tại Trường THPT Minh Khai chia sẻ: “Với tinh thần trách nhiệm và nhiệt huyết, cô Thủy là một cán bộ đoàn năng nổ, luôn dẫn đầu trong các hoạt động của Đoàn Thanh niên. Không chỉ vậy, trong công tác công đoàn, cô Thủy cũng rất tích cực, chủ động và sáng tạo, góp phần giúp đoàn trường đạt được nhiều thành tích xuất sắc”.

Từ sự tâm huyết, tận tụy với nghề, cô giáo Nguyễn Thị Thu Thủy đã thu được nhiều kết quả đáng trân trọng, được cấp trên đánh giá cao, học sinh quý mến. Nhiều năm liền, cô được Ban Chấp hành Đoàn thanh niên TP Hà Nội tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc trong phong trào “Chữ thập đỏ trường học”. Đặc biệt, năm 2024, cô được giấy khen của ban chấp hành công đoàn ngành giáo dục Hà Nội vì đã có thành tích trong phong trào thi đua “Giỏi việc trường- đảm việc nhà”.

THU HOÀI

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.