Đào tạo nghề đối mặt nhiều thách thức
Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, TS Nguyễn Hữu Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa cho biết, từ tháng 6-2021 đến nay, gần 400 SV của nhà trường không thể đi thực tập theo kế hoạch bởi dịch Covid-19. Điều này không chỉ tác động đến kế hoạch đào tạo của nhà trường mà còn ảnh hưởng đến chất lượng thực hành kỹ năng nghề của SV, bởi thời gian thực tập tại doanh nghiệp theo chương trình là 3 tháng. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp các tỉnh, thành phố như: Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang... đã gửi công văn đề nghị nhà trường phối hợp đưa SV đi trải nghiệm, thực tế, thực tập. Tuy nhiên, do dịch bệnh vẫn diễn biến khó lường nên trước mắt nhà trường tiếp tục đào tạo tại trường cho đến khi dịch được kiểm soát. "Nhà trường đã xây dựng phương án linh hoạt, trong trường hợp dịch Covid-19 được kiểm soát tốt và được sự cho phép của các địa phương, nhà trường sẽ đưa SV đi trải nghiệm, thực tế, thực tập tại doanh nghiệp”, TS Nguyễn Hữu Hùng thông tin thêm.
 |
Giờ thực hành của sinh viên ngành tự động hóa, Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội, năm 2020. Ảnh: CƯỜNG MAI |
Tìm hiểu thực tế tại Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội chúng tôi được biết, từ khi TP Hà Nội và các địa phương áp dụng những biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, SV thuộc các khối ngành kỹ thuật của nhà trường chịu ảnh hưởng lớn nhất do quá trình đào tạo bị gián đoạn liên tục. Theo chương trình đào tạo của trường, SV năm cuối sẽ được gửi đi đào tạo tại doanh nghiệp, nơi các em được trải nghiệm công việc và kỹ năng nghề nghiệp thực tế bắt đầu từ cuối năm 2020. Tuy nhiên, tác động kéo dài của dịch cũng như các biện pháp giãn cách chặt chẽ khiến nhiều doanh nghiệp không thể tiếp nhận SV của nhà trường. TS, Nhà giáo Ưu tú Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội phân tích thêm: “Những gián đoạn do đại dịch Covid-19 khiến SV các trường thuộc khối giáo dục nghề nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức hơn. SV thuộc khối kỹ thuật nói chung và SV Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội nói riêng đều phải được đào tạo tay nghề thông qua trải nghiệm thực tế trên các máy móc, thiết bị. Do vậy, việc SV đến trường học tập và đến trải nghiệm nghề thực tế tại doanh nghiệp là điều hết sức quan trọng. Chương trình đào tạo của nhà trường bao gồm 70% thực hành, việc rèn luyện kỹ năng là thực sự cần thiết”.
Tại Hội thảo quốc tế “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trong tình hình mới” được tổ chức mới đây, ông Tào Huy Bằng, Phó cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, đánh giá, hiện nay, rất nhiều trường nghề kết hợp với doanh nghiệp để đào tạo nghề cho các tập đoàn, trong đó có tập đoàn nước ngoài. Nhưng dịch Covid-19 làm chương trình học kéo dài hơn dự kiến, các SV chưa thể thực hành (mà thực hành là chủ yếu) nên chưa tốt nghiệp, chưa cung ứng được lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp theo hợp đồng đã ký. Điều này có thể dẫn tới nguy cơ không đáp ứng đủ nguồn cung lao động cho các doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn tái sản xuất.
Sớm đưa sinh viên đi thực hành, thực tập
Nhằm tạo điều kiện, bảo đảm SV được đi thực tập sớm nhất có thể, Trường Cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội đã cam kết bảo đảm thực hiện tốt công tác PCD Covid-19 cho SV khi đi thực tập và đào tạo ngoài doanh nghiệp. Điều này được cụ thể hóa trong hợp đồng 3 bên giữa doanh nghiệp, nhà trường và SV. SV khi đi thực tập và đào tạo tại doanh nghiệp cũng phải cam kết thực hiện nghiêm các biện pháp PCD theo đúng quy định của Bộ Y tế, địa phương và của doanh nghiệp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang mong muốn sớm được tiếp nhận SV đến thực tập và trải nghiệm sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát. TS, Nhà giáo Ưu tú Phạm Xuân Khánh cho biết thêm: “Các doanh nghiệp hoàn toàn yên tâm khi tiếp nhận SV nhà trường vào thực hành, thực tập tại đơn vị. Chúng tôi sẽ ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp bảo đảm được điều kiện phòng và kiểm soát dịch để cử SV đi thực tập, đào tạo. Tôi cũng kiến nghị các địa phương sớm có phương án cho SV đến trường trở lại, trả lại khu cách ly cho các trường nghề để có ký túc xá cho SV yên tâm học tập, sinh hoạt; ưu tiên cho SV trường nghề được tiêm vaccine sớm”.
Anh Trần Mạnh Tuân, chủ gara ô tô Hùng Thuận ở phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây, chúng tôi vẫn tiếp nhận một số SV các trường đại học, cao đẳng, trường nghề đến thực tập. Hiện nay, dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, nếu các trường hay SV có nhu cầu thì chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận, tạo mọi điều kiện giúp các em thực hành, thực tập”.
Lực lượng lao động tại nước ta hiện có khoảng 51 triệu người, chiếm hơn 55% dân số. Đây là những người trực tiếp làm ra của cải vật chất, dịch vụ, góp phần tăng năng lực cạnh tranh và là nguồn động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Chất lượng và trình độ kỹ năng của người lao động đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ dân số vàng, thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0... Vì thế, việc chăm lo phát triển lực lượng lao động có kỹ năng nghề, đặc biệt là lao động có kỹ năng nghề cao là nhiệm vụ, giải pháp chiến lược nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.
ĐỨC TUẤN