Theo đó, ngưỡng điểm sàn vào các trường đại học, cao đẳng, trung cấp sư phạm lần lượt là 17, 15, 13 điểm và áp dụng cho tất cả tổ hợp xét tuyển gồm 3 môn/bài thi.
Trước đó, Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018 của Bộ GD&ĐT đã quy định, các trường đại học sư phạm chỉ xét tuyển đối với học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên. Đối với các trường cao đẳng, trung cấp sư phạm chỉ xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên.
Việc xác định điểm sàn cũng như quy định mức độ học lực của học sinh tốt nghiệp THPT vào các cơ sở đào tạo sư phạm năm 2018 chứng tỏ Bộ GD&ĐT đang quyết tâm siết chặt đầu vào của ngành sư phạm. Vì trong mấy mùa tuyển sinh gần đây, nhất là mùa tuyển sinh năm 2017, ngưỡng điểm sàn đầu vào của nhiều trường sư phạm, nhất là khối trường sư phạm địa phương rất thấp khiến dư luận băn khoăn. Đầu vào thấp là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng đào tạo giáo viên không bảo đảm, từ đó ảnh đến chất lượng giáo dục ở các nhà trường.
Được biết, Bộ GD&ĐT vừa tiến hành rà soát, khảo sát, thống kê về nhu cầu sử dụng giáo viên (từ bậc mầm non đến THPT) trong 5 năm tới của các địa phương trong cả nước. Theo đó, năm 2018, cả nước cần tuyển 59.000 giáo viên. Tuy nhiên, số sinh viên sau khi tốt nghiệp sư phạm chưa có việc làm hiện còn khoảng 40.000 người, trong đó 50% vẫn muốn làm việc trong môi trường sư phạm nếu được trao cơ hội. Trên cơ sở số lượng giáo viên hiện có và số sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm chưa có việc làm, năm nay, Bộ GD&ĐT đã quyết định giảm 38% chỉ tiêu ngành sư phạm xuống 35.590 chỉ tiêu, trong khi năm 2017 là 56.725 chỉ tiêu.
Cùng với việc nâng điểm sàn đầu vào, việc mạnh tay cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh ngành sư phạm trong năm nay nhằm tạo điều kiện cho một bộ phận sinh viên tốt nghiệp sư phạm chưa xin được việc làm đúng chuyên ngành có thêm cơ hội được gắn bó với nghề giáo, qua đó giải quyết một phần nhân lực sư phạm dôi dư.
Một thông tin đáng chú ý là trong 7 khối ngành đào tạo đại học luôn có sức hút thí sinh vào mỗi mùa tuyển sinh thì ngành sư phạm xếp ở vị trí thứ 4. Dù không nằm trong tốp đầu nhưng vị trí tốp giữa cũng phần nào nói lên ngành sư phạm vẫn được thí sinh quan tâm và xã hội coi trọng. Điều đó cho thấy, một mặt nghề giáo chưa đến mức bị suy giảm vị thế xã hội như có người từng lo lắng; nhưng mặt khác cũng đặt ra yêu cầu đối với ngành giáo dục nói chung, đối với các cơ sở đào tạo sư phạm nói riêng, càng phải quan tâm, coi trọng hơn nữa chất lượng đào tạo giáo viên. Bởi vì nghề giáo không đơn thuần chỉ là một công việc mang lại thu nhập nuôi sống con người, mà hơn thế, đó còn là một sự nghiệp mang sứ mệnh giáo dục, bồi đắp và làm giàu trí tuệ, tâm hồn, sức mạnh cho con người, xã hội và đất nước.
Theo lộ trình đề ra, từ năm học 2019-2020 chính thức triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc tiểu học. Đây là dấu mốc quan trọng về lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Tuy vậy, để tiến trình này đi đúng “quỹ đạo” và đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, ngay từ bây giờ, ngành giáo dục phải chuẩn bị một đội ngũ nhà giáo có chất lượng, bảo đảm đủ tiêu chuẩn, tiêu chí mới có thể đáp ứng, thực hiện tốt nhiệm vụ giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông mới.
ANH THẢO