Song đó cũng là áp lực lớn, không chỉ “một người thi đỗ cả nhà mong” mà còn là cả gia tộc mong đợi vì nếu thi đỗ sẽ làm quan, mà “một người làm quan cả họ được nhờ”. Thế là từ 6, 7 tuổi, trẻ học sách Tam tự kinh (kinh ba chữ), Tứ tự kinh (kinh 4 chữ) rồi Ngũ ngôn (văn 5 chữ) và tập làm câu đối đơn giản từ 2 đến 4 chữ. Từ 10 tuổi trở đi học trò làm quen rồi thuộc lòng sách kinh điển Nho giáo (Tứ thư, Ngũ kinh…). Trên cơ sở kiến thức đã “nhập tâm” ấy để soạn kinh sách, viết văn, làm thơ và tập soạn thảo các loại văn bản của triều đình... Nhà nước tổ chức 3 kỳ thi (thi Hương, thi Hội, thi Đình). Thi Hương có ba vòng (tam trường) hoặc bốn vòng (tứ trường). Vòng đầu hỏi về kinh nghĩa (ở các sách đời xưa). Vòng hai thi chiếu biểu (soạn thảo chiếu, biểu, sớ...). Vòng ba thi sáng tác thơ phú theo chủ đề nhất định. Vòng bốn thi văn sách để viết các bài tự luận. Thi Hội tổ chức ở kinh đô (Thăng Long, Huế). Thi Đình tổ chức trong cung Cấm, do Nhà vua ra đề. Như vậy ngày xưa đào tạo con người có phần phiến diện, thiên về kiến thức xã hội, ít chú ý tới tri thức tự nhiên.

Lịch sử khoa cử phong kiến bắt đầu từ năm 1075 đến kỳ cuối cùng (1919) có tất cả 187 khoa thi Hội, tuyển được 2.991 vị tiến sĩ, trong đó chọn được 46 trạng nguyên. Thi không căn cứ vào tuổi nên có người rất trẻ đã đỗ cao như Nguyễn Hiền đỗ Trạng nguyên năm 13 tuổi, có người rất già như Đoàn Tử Quang đỗ Cử nhân khi đã 82 tuổi…

Với mục đích chọn người làm quan nên thi cử thời xưa đi vào con đường mòn giáo điều, công thức. Sĩ tử phải thuộc lòng kinh sách, nên mới có câu: “Thi thiên, phú bách, văn sách ngũ thập” (tức thuộc nghìn bài thơ, trăm bài phú, năm mươi bài văn sách là có thể thi đỗ). Kỳ thi Hương tổ chức ở một bãi đất trống được rào xung quanh, canh gác cẩn thận. Sĩ tử phải mang lều chiếu, ống quyển, bầu nước, đồ ăn… vào đó dựng lều mà làm bài. “Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ” là như thế. Việc coi thi rất ngặt nghèo, sĩ tử mang tài liệu vào sẽ bị gông cổ, phạt đánh roi và cấm thi nhiều kỳ. Bài thi quy định rất chặt chẽ về cách dùng từ, viết câu…

Ngày nay, thi cử tiến bộ và khoa học hơn rất nhiều nhưng vẫn thấy ảnh hưởng lạc hậu xưa còn rơi rớt, rõ nhất là trong việc thi tuyển vào đại học.

Đó là áp lực phải thi đỗ của gia đình và chính thí sinh. Mặt tích cực là thể hiện tinh thần hiếu học truyền thống, nhưng mặt tiêu cực là gây ra sự căng thẳng trong sinh hoạt và tâm lý. Lẽ ra ngày thi phải có tâm trạng thoải mái nhất thì có thí sinh lại bị ốm hoặc stress vì quá lo lắng. Trong khi đó, để phù hợp với cuộc sống công nghệ hiện đại mà trên thế giới hiện nay đang có xu hướng coi việc vào đại học chỉ là một, còn rất nhiều những cánh cửa khác để người ta bước vào đời, như học nghề, đi làm, tự học...

Đó là lối học thuộc lòng, công thức thiếu sáng tạo. Rất nhiều thí sinh chăm chăm việc “thuộc bài” trong khi chương trình và đề thi luôn khuyến khích sáng tạo. Muốn sáng tạo phải hiểu bản chất vấn đề. Hiểu tức là đã thuộc. Học vẹt thì vừa mất thời gian vừa không có tri thức.

Lại cũng có cả chuyện cúng bái, cầu may. Và cũng có thí sinh sử dụng “phao cứu sinh”, tức dùng tài liệu. Công nghệ thông tin phát triển thì thủ thuật quay cóp cũng rất tinh vi, không còn là “phao giấy” mà là những thiết bị điện tử nghe lén… Dĩ nhiên sớm muộn cũng bị phát hiện rồi đình chỉ thi. Tác hại sớm thấy rõ là tâm lý bị lệ thuộc vào “phao” nên thí sinh không có tinh thần chủ động tư duy làm bài. Mà dùng “phao” thì phải đợi cơ hội… nên có trường hợp để giấy trắng, nhận điểm liệt.

Xưa nay ở đâu cũng vậy, có học là có thi. Xét về bản chất thì thi cử như vụ mùa thu hoạch, cả năm cày cấy bón chăm vui mừng, phấn khởi, mong chờ đến ngày hái quả, dĩ nhiên có cả sự phấp phỏng âu lo hồi hộp. Ai bỏ công nhiều người ấy sẽ thu được nhiều hoa lợi và ngược lại. Tự tin vào mình, đấy là điều cần nhất ở mỗi thí sinh!

NGUYÊN THANH