Để giúp học sinh Thủ đô nói riêng và người trẻ nói chung có thể tham quan Địa đạo Củ Chi một cách trực quan, sinh động, kết hợp yếu tố công nghệ mà không cần phải đến tận nơi, nhóm 5 học sinh gồm: Lưu Bảo Châu (Lớp 9A7), Nguyễn Duy Kiên (Lớp 9A6), Nguyễn Lâm Uyên (Lớp 9A2), Lê Ngọc Khải Vỹ (Lớp 9A7) và Nguyễn Thanh Mai (Lớp 8A5), Trường THCS Cầu Giấy cùng nghiên cứu, sáng tạo “Mô hình Địa đạo Củ Chi”, một di tích lịch sử nổi tiếng của nước ta.
Khi được hỏi về lý do thực hiện mô hình, nhóm tác giả trẻ cho biết: Những bài học lịch sử rất thú vị nhưng thường khó hình dung nếu chỉ học qua sách vở. Ý tưởng làm mô hình nảy sinh khi cả nhóm thảo luận cách nào để giúp học sinh tiếp cận những kiến thức lịch sử sinh động hơn mà không cần đến tận nơi. Hơn nữa, đây là cơ hội để cả nhóm kết hợp sở thích công nghệ và niềm đam mê học tập lịch sử của mình.
 |
Nhóm học sinh Trường THCS Cầu Giấy nhận giải đặc biệt. Ảnh: THU HẰNG |
Mô hình có kích thước 75 x 110cm, làm từ thạch cao và các vật liệu tái chế. Mô hình có bệ đỡ bằng gỗ, chân có đế xoay bằng bánh xe để di chuyển, nâng theo ý muốn. Đặc biệt, nhóm học sinh tái hiện phần lòng đất của "Mô hình Địa đạo Củ Chi" bằng các vật liệu thân thiện với môi trường; những nhân vật như chiến sĩ Quân đội hay dân quân được nặn bằng tò he, mang đậm tính nghệ thuật và truyền thống Việt Nam. Lưu Bảo Châu hào hứng nói về điểm nổi bật của mô hình: “Khi vận hành, robot sẽ di chuyển theo kịch bản video trình chiếu để điều hướng người xem đến các vị trí trong địa đạo. Đèn led tại khu vực robot giới thiệu cũng phát sáng, tạo hiệu ứng bắt mắt. Các điểm điều hướng robot gồm: Nắp hầm, hầm chứa vũ khí, lương thực, lỗ thông hơi, phòng nghỉ, phòng cứu chữa thương binh, phòng hội họp, hầm chông, ụ ổ chiến đấu, giếng nước, cửa ra sông Sài Gòn, hầm chữ A, bẫy rắn độc... đều gắn biển tên và mã QR để thuận tiện cho việc tra cứu mở rộng thông tin liên quan”.
Để mô hình hoạt động trơn tru, nhóm tác giả đã tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm, nhất là phần robot di chuyển bên trong. Khi vận hành, robot đại diện bằng hình ảnh nữ dân quân sẽ đi theo lộ trình đã lập trình sẵn, giới thiệu từng điểm quan trọng trong địa đạo. Bên trong mô hình, không chỉ là hệ thống đường hầm tái hiện Địa đạo Củ Chi mà còn có phần mềm hỏi đáp kiến thức được phát triển để học sinh kiểm tra khả năng hiểu biết của mình. Các em tạo ra trò chơi hỏi đáp gồm 3 cấp độ, từ dễ đến khó với 30 câu hỏi liên quan đến Địa đạo Củ Chi. Người tham gia trò chơi này có cơ hội học lịch sử một cách thú vị, vừa chơi vừa khám phá. Các câu hỏi được viết bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh để học sinh nước ngoài cũng có thể tham gia, hiểu thêm về lịch sử Việt Nam.
Điều đặc biệt là mỗi khu vực trên mô hình đều gắn mã QR. Khi quét mã, người dùng được dẫn đến những video hoặc bài viết mô tả chi tiết về từng phần của địa đạo, chẳng hạn như căn hầm chứa vũ khí, phòng cứu thương, hay những bẫy rắn độc từng khiến quân địch khiếp sợ. “Chúng em mong rằng những người bạn nước ngoài khi tham quan mô hình này sẽ hiểu thêm về sự kiên cường của người Việt Nam”, Nguyễn Lâm Uyên chia sẻ.
 |
Nhóm học sinh Trường THCS Cầu Giấy thực hiện "Mô hình Địa đạo Củ Chi". Ảnh: LÊ DUY |
Nguồn năng lượng để vận hành mô hình được cung cấp từ pin năng lượng mặt trời, thể hiện tinh thần bảo vệ môi trường và hướng tới phát triển bền vững. Theo nhóm sáng tạo, điều này giúp mô hình thân thiện với môi trường và minh họa rõ hơn sự ứng dụng công nghệ trong giáo dục.
"Mô hình Địa đạo Củ Chi" không chỉ đơn thuần là một sản phẩm STEM (các sản phẩm thiết kế để kích thích học sinh tham gia vào các hoạt động học tập và giải quyết vấn đề trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), mà còn khẳng định sự sáng tạo không giới hạn của học sinh thế hệ Gen Z. Sản phẩm tích hợp kiến thức liên môn, từ Lịch sử, Địa lý đến Công nghệ và Nghệ thuật, giúp học sinh rèn luyện tư duy và phát triển toàn diện. Thành quả của nhóm học sinh Trường THCS Cầu Giấy còn thể hiện trách nhiệm trong gìn giữ, phát huy giá trị lịch sử truyền thống của dân tộc. Từ những ý tưởng nhỏ trong lớp học, các em từng bước hiện thực hóa thành một sản phẩm giáo dục ý nghĩa, sinh động, truyền cảm hứng mạnh mẽ tới thế hệ trẻ và cộng đồng.
BẢO ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.