Theo PGS, TS Trần Xuân Kiên, trưởng nhóm nghiên cứu, tia cực tím C là một loại bức xạ điện từ có bước sóng trong khoảng 200-280nm. Ở bước sóng 254nm, tia UV-C có hiệu quả cao trong việc phá vỡ cấu trúc DNA và RNA của virus, vô hiệu hóa chúng và khiến virus trở nên vô hại. Do đó, nguồn sáng UV-C có thể được sử dụng để khử trùng, diệt khuẩn, diệt virus trong các cơ sở y tế, khu cách ly, trường học, siêu thị hoặc dùng để khử trùng, diệt khuẩn trên tiền polime... Từ đặc điểm, tính chất, khả năng ứng dụng của tia UV-C, với mong muốn góp phần vào cuộc chiến chống “giặc” Covid-19, nhóm nghiên cứu đã tập trung thiết kế, chế tạo thành công sản phẩm trong một thời gian ngắn.

Sản phẩm robot khử khuẩn của nhóm nghiên cứu Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Trường Đại học Thành Đông. 

Sản phẩm robot khử khuẩn bằng tia cực tím của nhóm tác giả gồm một robot có khả năng tự động di chuyển mang đèn UV-C bước sóng 254nm, công suất 36W, chiều dài đèn 36cm, tổng khối lượng robot là 6kg, có thể hoạt động liên tục trong 3 giờ. Robot còn được gắn camera giám sát, tự động điều khiển hoạt động của robot và đèn UV-C từ xa thông qua mạng internet. Để bảo đảm an toàn cho con người, tránh tiếp xúc trực tiếp với tia UV-C, robot còn có thể tự động phát hiện sự có mặt của con người trong phạm vi ảnh hưởng để tắt nguồn phát tia cực tím.

Các thông số kỹ thuật quan trọng của đèn UV-C gắn trên robot đã được Trung tâm Đo lường (Cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng, Bộ Tổng Tham mưu) kiểm định, đạt chất lượng. Đại diện nhóm tác giả cho biết, robot đã được ứng dụng để khử trùng, diệt khuẩn, góp phần phòng, chống dịch Covid-19 trong dịp bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại một số điểm bầu cử ở Hà Nội; đã được ứng dụng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bắc Giang.

Bài và ảnh: PHÚ XUÂN