Với tinh thần an toàn là trên hết, ngành y tế và ngành giáo dục phối hợp rà soát kỹ các quy định bảo đảm an toàn; đồng thời, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng tổ chức tiêm vaccine sớm, an toàn cho học sinh.

Hy vọng nhưng còn băn khoăn

 Hiện cả nước có hơn 8 triệu trẻ em độ tuổi 12-17, với số lượng vaccine cần để tiêm hai mũi là khoảng 16 triệu liều. Bộ Y tế phấn đấu trong quý IV-2021 sẽ tiêm đủ 2 mũi cho hơn 95% trẻ em thuộc đối tượng này.

 Điểm tiêm phòng Covid-19 tại Trường Tiểu học Đông Ba (phường 7, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh).Ảnh: Hùng Khoa

Nằm trong độ tuổi sẽ tiêm đợt này, em Nguyễn Hà Linh, học sinh Trường THCS-THPT Tân Phú, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Chứng kiến những ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 vừa gây ra ở thành phố, em nghĩ tiêm vaccine là giải pháp tốt nhất lúc này. Tuy có lo lắng nhưng qua tìm hiểu, em thấy học sinh ở nhiều nước đã tiêm vaccine nên phần nào yên tâm”.

Có hai con đều học trực tuyến khiến công việc của vợ chồng chị Phạm Thanh Huyền (ở phố Tam Trinh, Hoàng Mai, Hà Nội) xáo trộn; cộng với những vấn đề liên quan đến hiệu quả học tập, sức khỏe, an toàn khi học trực tuyến, cũng như những người làm cha làm mẹ khác, chị Huyền mong con được đến trường học trực tiếp. Tuy vậy, trong điều kiện dịch bệnh còn phức tạp, trẻ chưa được tiêm vaccine thì hầu hết cha mẹ đều chưa thể yên tâm cho con trở lại trường.

Chị Huyền cho biết: “Địa phương nơi cư trú đã triển khai lập danh sách đăng ký tiêm cho trẻ em theo độ tuổi quy định của Bộ Y tế. Việc này khiến tôi có hy vọng, nhưng cũng không khỏi băn khoăn. Hy vọng vì tiêm vaccine cho học sinh-giải pháp có lẽ là căn cơ nhất để trường học có thể mở cửa trở lại-đang được triển khai. Băn khoăn vì mình chưa được tiếp cận nhiều thông tin về tác động của vaccine Covid-19 đối với trẻ em. Tôi rất mong cơ quan chuyên môn là Bộ Y tế có những thông tin rõ ràng hơn về việc này...”.

Sẵn sàng thực hiện khi có kế hoạch cụ thể

 Ngay khi có hướng dẫn của Bộ Y tế về xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10-2021 cho trẻ em, các trường học tại TP Hồ Chí Minh đã nhanh chóng lập danh sách học sinh trong độ tuổi. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hồ Chí Minh, số học sinh từ 12 đến 17 tuổi đang sinh sống hoặc học tập trên địa bàn thành phố khoảng 780.000 em; phạm vi triển khai tại 22 quận, huyện và TP Thủ Đức. Loại vaccine sử dụng là loại được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho lứa tuổi 12-17 tuổi. Vaccine được sử dụng 2 liều cơ bản/đối tượng và tiêm chủng cùng loại vaccine.

Chia sẻ về nội dung này, ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết: Sở có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 12 đến 17 tuổi đến đội ngũ cán bộ, giáo viên; chỉ đạo các trường lấy ý kiến của cha mẹ học sinh hoặc người giám hộ và lập danh sách người đồng ý tiêm báo cáo về UBND quận, huyện và TP Thủ Đức... Ngành giáo dục đã sẵn sàng các công tác chuẩn bị, chỉ đợi phương án của thành phố ban hành là thực hiện, với mong muốn các em được tiêm sớm nhất, đạt tỷ lệ an toàn cao nhất.

Theo thông tin của ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du, quận 10, nhà trường đã nhận được thông báo và đang lập danh sách học sinh. Nếu học sinh tiêm vaccine ngay tại trường thì trường sẽ chuẩn bị cơ sở vật chất, bố trí vị trí tiêm, khu vực theo dõi sau tiêm, hướng dẫn ra vào hợp lý.

Cũng như TP Hồ Chí Minh, theo chỉ đạo của Sở GD&ĐT TP Hà Nội, các đơn vị, trường học tiếp tục chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường khi điều kiện cho phép, chủ động phối hợp với cơ quan y tế địa phương để hoàn thành việc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên; có phương án chuẩn bị tổ chức tiêm vaccine cho học sinh trong độ tuổi khi có hướng dẫn và phân giao vaccine của cơ quan y tế. Thành phố hiện có gần 1 triệu trẻ từ 12 đến 17 tuổi.

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: Hiện trường chưa nhận được văn bản hướng dẫn cụ thể về việc tiêm vaccine cho học sinh. Theo cô Nhiếp, việc tiêm vaccine cho học sinh, về phân cấp trạm y tế thực hiện chức năng nhiệm vụ, còn nếu tiêm ở trường thầy cô có thể quản lý, biết chính xác hơn danh sách tiêm.

Theo PGS, TS Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng, việc tiêm vaccine cho trẻ em là cấp thiết bởi trẻ là đối tượng dễ bị mắc bệnh. Một yếu tố nữa xét về góc độ xã hội thì việc tiêm vaccine giúp trẻ duy trì các quan hệ tiếp xúc trực tiếp như trong trường học. Trẻ không thể ở nhà mãi, trẻ cần được đến trường và tham gia các hoạt động vui chơi, thể chất khác. Khi nghỉ học, học sinh không chỉ khiếm khuyết về kiến thức mà còn bị ảnh hưởng tới phát triển thể chất và tinh thần. PGS, TS Trần Đắc Phu cũng gợi ý, khi mở cửa trở lại, từng trường học phải tuân thủ triệt để nguyên tắc bảo đảm an toàn, đặc biệt là hạn chế đến mức thấp nhất tiếp xúc giữa các lớp. Từ đó mới có thể thực hiện: Nếu một em bị nhiễm bệnh thì chỉ cần cách ly, khoanh vùng lớp đó, lớp khác vẫn học tập bình thường.

KHÁNH HÀ

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29-5-2020 của Chính phủ.