Áp lực sĩ số
Áp lực sĩ số không phải là câu chuyện mới tại Thủ đô Hà Nội. Năm học 2020-2021, số lượng học sinh của Hà Nội tăng gần 68.000 em so với năm trước. Quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục phát triển mạnh, toàn thành phố có 2.748 trường mầm non và phổ thông với hơn 2 triệu học sinh. Đặc biệt, số lượng học sinh vào lớp 1 vẫn tăng khoảng 30.000 so với số lượng học sinh lớp 5 vừa chuyển cấp. Tình trạng “đầu vào” tăng hàng chục nghìn so với “đầu ra” tạo nên những thách thức không nhỏ cho ngành giáo dục Thủ đô.
Theo quy định của Điều lệ trường tiểu học do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành, không quá 35 học sinh/lớp đối với cấp tiểu học, không quá 45 học sinh/lớp đối với cấp THCS. Nếu theo tiêu chí này, quận Hoàng Mai còn thiếu khoảng 30 trường. Áp lực sĩ số học sinh khiến ngành GD&ĐT quận phải áp dụng giải pháp học luân phiên thứ bảy. Ở khối tiểu học, chỉ có Trường Tiểu học Mai Động thực hiện học 2 buổi/ngày ở tất cả các lớp. Các trường khác tiến hành học 7-10 buổi/tuần có luân phiên thứ bảy, trong đó ưu tiên khối lớp 1 được học 2 buổi/ngày.
 |
Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (quận Hoàn Kiếm) đã thành công trong việc giảm sĩ số lớp học (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). |
Năm học 2020-2021, nếu như số học sinh vào các lớp đầu cấp trên địa bàn quận Hoàng Mai tăng hơn 3.000 em so với năm học trước thì quận Hà Đông tăng khoảng 5.000 học sinh. Nhiều năm qua, quận Hà Đông đã nỗ lực đầu tư xây mới nhiều trường, lớp học để tránh quá tải cho học sinh đầu cấp, nhất là khối học sinh lớp 1. Tuy nhiên, ở một số địa bàn, vấn đề đặt ra là có trường, có lớp rồi nhưng việc điều chỉnh tuyển sinh ra sao giữa trường học cũ và trường học mới, cũng như sự đồng thuận của phụ huynh về vấn đề này cũng là một áp lực không nhỏ.
Trường Tiểu học Đoàn Kết (quận Hà Đông) với hơn 2.200 học sinh, những năm trước sĩ số học sinh đã có lúc lên tới gần 60 em/lớp. Do đó, khi Trường Tiểu học Trần Đăng Ninh ở ngay bên cạnh được đưa vào sử dụng, khoảng 300 học sinh được chuyển sang trường mới, dựa trên phân tuyến phố để san lớp. Tuy nhiên, việc học sinh nào đi hay ở lại cũng khiến nhà trường phải tổ chức rất nhiều cuộc họp với phụ huynh để giải quyết khúc mắc.
Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Hương Giang, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Đăng Ninh, khi đón học sinh Trường Tiểu học Đoàn Kết chuyển sang, trường đã phân công những giáo viên có chuyên môn chắc để đảm nhận, tránh cho các em những bỡ ngỡ khi bước về ngôi trường mới. Thực hiện chủ trương chia tách học sinh, sĩ số học sinh có cơ hội giảm xuống khoảng 40 học sinh/lớp.
Thực hiện nhiều giải pháp phù hợp
Với đặc thù là địa bàn có nhiều trường tốp đầu, chất lượng đào tạo tốt nên các nhà quản lý giáo dục đã trăn trở tìm giải pháp giảm áp lực tuyển sinh trái tuyến. Trong bối cảnh chung ấy, bằng tư duy nhanh nhạy, ngành giáo dục quận Hoàn Kiếm đã tiên phong giải quyết những khó khăn.
Mới cách đây 3, 4 năm, các cơ sở giáo dục tại Hoàn Kiếm có sĩ số trung bình khoảng 50-55 em/lớp. Tuy nhiên, với một lộ trình hợp lý, để khớp được với điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, từ năm học 2019-2020, các trường tiểu học trong quận đã giảm còn 40 học sinh/lớp, trường THCS giảm còn 45 học sinh/lớp.
Trong xu hướng đổi mới mạnh mẽ toàn ngành, hai năm nay, các trường học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm không còn cảnh sĩ số quá đông. Bà Vương Hương Giang, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hoàn Kiếm cho biết: Những lớp sĩ số đông (50-55 học sinh) được tiến hành tách lớp, làm sao sĩ số giảm xuống còn khoảng 40 học sinh. Hiện 100% các trường học trên địa bàn quận (7 trường THCS, 13 trường tiểu học) đều bảo đảm nghiêm túc theo điều lệ trường học về số lớp và số học sinh trên lớp.
Để giảm áp lực tuyển sinh, các trường đã tổng hợp từ các lớp để ra được “bản đồ” học sinh trên 18 phường của Hoàn Kiếm và ngoài quận. Sau đó, hiệu trưởng trường tiểu học bàn giao hồ sơ học bạ cho hiệu trưởng trường THCS những học sinh trong tuyến, với sự đồng thuận của cha mẹ học sinh. Giải được bài toán sĩ số đông còn là việc để dành quỹ đất cho giáo dục. Đây là việc làm khó nhưng ngành giáo dục quận Hoàn Kiếm đã làm được. Năm nay, dù gặp nhiều khó khăn vì dịch Covid-19, quận vẫn ưu tiên gần 50% ngân sách đầu tư, dành quỹ đất hợp lý cho giáo dục. Kết quả mang lại là giai đoạn 2021-2025, nhiều trường của Hoàn Kiếm sẽ được mở rộng, có cơ sở mới khang trang. Quận cũng đã xóa 17 điểm lẻ không còn phù hợp với quy định hiện hành.
Toàn thành phố hiện có 1.695 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ gần 77% trong tổng số trường công lập của Hà Nội. Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT TP Hà Nội, trong năm 2021, ngành giáo dục Thủ đô phấn đấu xây dựng 85 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 30 trường mầm non, 26 trường tiểu học, 24 trường THCS và 5 trường THPT. Thời điểm này, các nhà trường đã hoàn thành việc tự đánh giá theo quy định và đang tiến hành các thủ tục tiếp theo để hoàn thiện hồ sơ; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thi công dự án, mua sắm trang thiết bị...
Cùng với đó, các phòng GD&ĐT quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch tuyển sinh năm học 2021-2022 trình UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt, trong đó chú trọng việc tổ chức phân tuyến tuyển sinh và giao chỉ tiêu tuyển sinh phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, số phòng học của từng trường, bảo đảm đủ chỗ học cho học sinh; ưu tiên các phòng học phục vụ học tập và phòng học 2 buổi/ngày. Việc giảm được sĩ số học sinh trên lớp không chỉ bảo đảm môi trường học tập tốt cho học sinh mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của các nhà trường.
Bài và ảnh: THÁI AN