Nhóm các nhà khoa học đến từ Ba Lan và Lithuania đang tiến hành điều tra về một khu rừng cổ đại bởi họ cho rằng, nơi đây chứa những manh mối, tàn tích còn sót lại về Kỷ băng Hà.

Khu rừng có niên đại 10.000 năm tuổi này nằm ở làng Juodkrante gần thành phố Klaipėda ven biển phía tây Lithuania. 

Hình ảnh chụp lại một thân cây nằm trong quần thể khu rừng này.

Tại đây, họ đã chụp hàng nghìn bức ảnh, trong đó có hơn 3,000 bức ảnh chụp hai thân cây lớn. Sau đó, họ đã sử dụng những hình ảnh này để tạo ra mô hình 3D về khu rừng cổ đại này, đây gọi là Phép quang trắc (Photogrammetry). Phương pháp này cho phép nhà nghiên cứu xác định hình dạng, kích thước, vị trí và các đặc điểm nổi bật của chủ thể dựa trên nhiều bức ảnh chụp khác nhau. Ở đây, các nhà khoa học đã sử dụng hơn 3,000 bức ảnh để mô phỏng lại diện mạo của khu rừng.

Các nhà nghiên cứu cho rằng khu rừng đã bị nhấn chìm vào cuối thế Canh Tân thuộc kỷ Băng Hà. Giai đoạn này bắt đầu khoảng 2,6 triệu năm trước và kết thúc vào khoảng 11.700 năm trước. Băng tan làm tăng mực nước biển Baltic, khiến cả khu rừng rộng lớn này ngập chìm trong nước biển.

Khu rừng đã bị nước biển Baltic nhấn chìm hoàn toàn từ kỷ Băng Hà. Ảnh: Pinterest.

Trước đó, họ đã phát hiện ra khu rừng này khi đang thực hiện quá trình quét đáy biển cùng các chuyên gia đến từ Bảo tàng Hàng Hải Quốc gia Ba Lan. Họ cho rằng có thể con người đã từng sinh sống ở nơi đây và hy vọng sẽ tìm thấy những bằng chứng cho thấy tồn tại sự sống của người cổ đại ở khu rừng này.

KHÁNH NGÂN (theo Newsweek)