Các trường đều chuẩn bị những điều kiện tốt nhất, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, bảo đảm an toàn tối đa tại trường học để hoàn thành tốt mục tiêu ngành giáo dục Thủ đô đề ra trong năm học mới.
Nỗ lực đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới
Theo khung thời gian năm học 2022- 2023 tại Hà Nội, ngày 29-8, học sinh tựu trường để chuẩn bị cho lễ khai giảng diễn ra ngày 5-9 (riêng khối 1 tựu trường ngày 22-8). Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, công tác chuẩn bị về cơ sở vật chất, củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên được các trường nỗ lực triển khai.
 |
Cô trò Trường Tiểu học Yên Nghĩa, quận Hà Đông làm quen trong ngày đầu tới lớp. |
Buổi tựu trường đầu tiên trong năm học mới của học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Yên Nghĩa (quận Hà Đông) chỉ đơn giản bằng việc làm quen giữa cô với trò. Buổi học khiến các bạn nhỏ học sinh đầu cấp tiểu học có một tâm thế thoải mái và hào hứng khi bước vào năm học mới. Theo chia sẻ của cô Trần Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Nghĩa, để đón học sinh trong ngày đầu đến lớp, các cô giáo đã chạy thử bài giảng trên hệ thống máy chiếu của trường. Đây là bài giảng điện tử theo chương trình mới do các thầy cô cùng chung tay chuẩn bị, giúp học sinh dễ dàng tiếp cận chương trình mới.
Hướng tới năm học mới, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hà Đông) cũng tìm nhiều giải pháp cho tình trạng thiếu giáo viên. Năm học tới, trường có 2.180 học sinh với 42 lớp (riêng khối 1 có 9 lớp với 470 em). Số lượng học sinh đông, trong khi nhà trường chỉ có gần 80 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Cô Teo Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Với một số hạn chế về nguồn biên chế nên nhà trường phải tự chủ nguồn nhân lực với khoảng 15% giáo viên hợp đồng. Nhà trường cũng mua sắm thêm nhiều bộ bàn ghế theo tiêu chuẩn cho học sinh, sửa chữa gần 200 bộ”. Để phục vụ cho việc học môn Tin học từ lớp 3 từ năm học tới, Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cũng đã mua sắm máy tính tập trung và trang bị đầy đủ 42 máy chiếu ở 42 lớp. Điều này bảo đảm hỗ trợ tối đa cho việc dạy và học của thầy trò nhà trường.
Thực hiện Chương trình GDPT 2018, ngành giáo dục huyện Ba Vì đã tích cực chuẩn bị cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho học sinh lớp 3, lớp 7. Các nhà trường đã chủ động chuẩn bị các phòng học, phòng bộ môn, yêu cầu giáo viên nghiên cứu sách và đánh giá ưu nhược điểm từng đầu sách, bồi dưỡng giáo viên thông qua các buổi tập huấn, tổ chức dạy thử chương trình, sẵn sàng cho lần đổi mới này. Theo chia sẻ của thầy Lê Mạnh Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS Vạn Thắng (huyện Ba Vì), đội ngũ giáo viên của nhà trường đến thời điểm này cơ bản đáp ứng đủ theo số lượng bộ môn, phân môn. Sau khi giáo viên tập huấn, nhà trường tổ chức buổi tập huấn riêng cho thầy cô toàn trường, bảo đảm việc cập nhật kiến thức, đổi mới các môn học theo Chương trình GDPT 2018.
Tiếp tục giải quyết tình trạng quá tải trường lớp
Trong khi Hà Nội vẫn loay hoay với bài toán quá tải trường lớp thì mỗi năm học, lượng học sinh mầm non, học sinh đầu cấp, nhất là lớp 1 vẫn tăng nhanh.
Trước thềm năm học mới, hàng trăm phụ huynh phải đến UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) để bốc thăm giành suất cho con vào trường mầm non công lập trên địa bàn. Cô Trịnh Thị Thu Hương, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoàng Liệt cho biết: “Không còn phương án nào tối ưu hơn để tiếp nhận học sinh. Tổng chỉ tiêu 3 lứa tuổi là 459, tuy nhiên, có 939 hồ sơ nộp vào trường. Số lượng hồ sơ tăng đột biến, vượt quá khả năng đáp ứng của nhà trường. Đó là tiền lệ chưa bao giờ có”.
Theo ông Trần Quý Thái, Phó chủ tịch UBND Quận Hoàng Mai, nguyên nhân của vấn đề là do các khu đô thị mới được xây dựng nhanh chóng trên địa bàn. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nhóm mầm non ngoài công lập phá sản, phải đóng cửa, gây sức ép tuyển sinh lên các trường mầm non công lập trên địa bàn. “Để bảo đảm chỗ học cho học sinh những năm tới, nếu một trường có khoảng 1.700 học sinh thì cần ít nhất 3 trường mầm non nữa”, ông Thái cho biết.
Trước thực tế trên, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Hà Nội, cho biết: Hiện một số phường ở Hà Nội đã hết quỹ đất xây trường công lập. Một số phường khác có trường nhưng dân số trên địa bàn gia tăng quá nhanh nên vẫn không đủ chỗ học. Sở GD&ĐT đã đề xuất Bộ GD&ĐT cùng phối hợp các địa bàn Trung ương nghiên cứu cho Hà Nội một cơ chế đặc thù, cho phép tính diện tích sàn sử dụng/học sinh thay vì diện tích đất sử dụng/học sinh về công nhận trường chuẩn quốc gia. Ngoài ra, cho phép nâng cao tầng các khối xây dựng và được phép xây dựng, sử dụng các tầng hầm dựa trên công tác bảo đảm an toàn cho học sinh. Theo đó, bố trí học sinh ở các tầng thấp, các cán bộ, giáo viên ở tầng cao.
Năm 2022, Hà Nội có 51 trường được xây dựng mới, cải tạo 605 trường, bố trí 1.464 tỷ đồng để mua sắm thiết bị dạy học. Tính đến tháng 6-2022, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 64,3%, trong đó trường công lập đạt 79%. Thành phố cũng đã đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp hiện đại trên diện tích 5ha. |
Bài và ảnh: THANH LÊ