Người hưởng thụ văn hóa học đường không chỉ là học sinh mà cả cộng đồng, cả thầy và trò. Những ngày cuối tháng 8-đầu tháng 9, các địa phương trên cả nước đang tích cực chuẩn bị cho lễ khai giảng. Trong không khí hân hoan chào đón năm học mới, các thầy giáo, cô giáo, phụ huynh, học sinh đặt niềm tin, kỳ vọng ngành giáo dục sẽ có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.
Đồng chí NGUYỄN KIM SƠN, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Năm học 2022-2023, lưu ý giáo dục văn hóa học đường
Khai giảng năm học mới 2022-2023 sẽ là dịp chúng ta bắt đầu năm học với tinh thần đổi mới giáo dục, trong đó lưu ý giáo dục văn hóa và văn hóa giáo dục. Tôi mong lãnh đạo các địa phương, các cơ sở giáo dục tập trung lưu ý một số điểm. Thứ nhất, triển khai thật tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đây vừa là nội dung, vừa là phương pháp, đặc biệt chúng ta lưu ý triển khai tốt những môn học mới. Yếu tố giáo dục rất có tác dụng trong việc phát triển con người. Chúng ta tập trung làm thật tốt điều này là một bước quan trọng của xây dựng và phát triển văn hóa học đường dưới góc độ nội dung cốt lõi. Thứ hai, cần rà soát, chuẩn hóa ban hành các bộ quy tắc ứng xử với những chuẩn mực trong nhà trường và đôn đốc kiểm tra để việc thực hiện này có hiệu quả nhất. Thứ ba, tăng cường hệ thống cơ sở vật chất, đặc biệt là thư viện và các yếu tố hạ tầng khác. Cuối cùng, cần tăng cường các yếu tố thuộc về phẩm chất, kiến thức, kỹ năng và chuẩn mực của đội ngũ nhà giáo với tinh thần mỗi nhà giáo phải là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Người hưởng thụ văn hóa học đường không chỉ là học sinh mà cả cộng đồng, cả thầy và trò. Có một môi trường văn hóa thật tốt thì chính các thầy cô cũng gắn bó, yên tâm cống hiến. Trong đó phải lấy tinh thần khoa học, dân chủ làm phương diện rất quan trọng để gây dựng yếu tố văn hóa đối với người thầy.
Để thực hiện điều này, không chỉ có nhà trường, mà cả xã hội, phụ huynh, cần tham gia cùng các nhà giáo. Mỗi người lớn cần là một tấm gương trung thực, mỗi phụ huynh cần là tấm gương lương thiện, mỗi thầy giáo, cô giáo phải là tấm gương sáng đẹp cho học sinh noi theo. Chúng ta quyết tâm xây dựng môi trường văn hóa học đường để giữ cho nơi đây là môi trường trong sáng nhất, đẹp nhất, an toàn nhất và đương nhiên là môi trường đậm chất văn hóa nhất. Đồng thời, chính trong môi trường đó cũng cần làm cho các em gia tăng sức đề kháng về văn hóa, có đủ khả năng để sàng lọc, lựa chọn, đánh giá, thẩm thấu, nhận thức và phản biện. Chỉ bằng con đường nâng cao bản lĩnh về văn hóa và sức đề kháng về văn hóa mới có được nhân cách, phẩm chất, năng lực bền vững. Khi đó, việc phát triển văn hóa học đường sẽ có tinh thần lan tỏa và bền vững.
 |
Các giáo viên Điểm trường Huổi Xổm, bản Huổi Hâu (Nà Khoa, Nậm Pồ, Điện Biên) băng rừng vận chuyển trang thiết bị, đồ dùng dạy học để chuẩn bị cho năm học mới. Ảnh: MẮN ON |
Đồng chí TRẦN VĂN THỨC, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa:
Rà soát điểm nghẽn, nút thắt để tháo gỡ khó khăn
Năm học 2022-2023, chúng tôi tiếp tục rà soát các điểm nghẽn, nút thắt trong các quy định của pháp luật, các cơ chế, chính sách còn hiệu lực nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu. Để đáp ứng được Chương trình giáo dục phổ thông 2018, chúng tôi đang chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo tận dụng tối đa mọi điều kiện để có thể đưa các môn học vào giảng dạy theo đúng kế hoạch.
Riêng đối với môn Tin học, toàn tỉnh hiện thiếu khoảng 400 phòng tin học ở cả 3 cấp học, tập trung chủ yếu ở bậc tiểu học. Đối với vấn đề thiếu cơ sở vật chất, ngoài hỗ trợ của địa phương, sở chỉ đạo các đơn vị kêu gọi thêm xã hội hóa để từng bước đáp ứng nhu cầu thực tế đặt ra. Về nhân lực, hiện Thanh Hóa có 600 trường tiểu học nhưng chỉ có 175 giáo viên Tin học. Phương án trước mắt, chúng tôi bố trí giáo viên Tin học có tính chất linh hoạt giữa tiểu học, THCS, thuộc phòng giáo dục và đào tạo quản lý. Về giải pháp căn cơ lâu dài, sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có kế hoạch đặt hàng giáo viên các môn thiếu nhiều, trong đó có giáo viên Tin học. Căn cứ vào con số thống kê từ các địa phương báo cáo, ngoài chỉ tiêu của các trường sư phạm, nếu thiếu, chúng tôi sẽ đặt hàng các trường đại học, cao đẳng có uy tín và tỉnh phải bố trí kinh phí cho nguồn tuyển, đồng thời có những cam kết để có cơ chế thông thoáng nhằm tuyển dụng được nguồn nhân lực có chất lượng, đủ về số lượng.
----------------
Đồng chí NGUYỄN HỮU TUÂN, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên:
Nậm Pồ sẵn sàng cho năm học mới
Những ngày này, các thầy giáo, cô giáo ở vùng cao biên giới huyện Nậm Pồ đang gấp rút dọn dẹp, trang trí trường, lớp học, mua sắm trang thiết bị chuẩn bị đón học sinh tựu trường. Những trận mưa rừng dai dẳng, những con đường cheo leo, trơn trượt, những cú ngã tím chân tay vẫn không làm giảm tình yêu và nhiệt huyết của các thầy giáo, cô giáo vùng cao dành cho học sinh thân yêu. Như tại xã Nà Khoa (Nậm Pồ), cả tuần vừa qua, mưa rả rích khiến con đường từ trung tâm xã đến nhóm bản Huổi Xổm, thuộc bản Huổi Hâu trở nên khó khăn gấp bội phần. Các cô giáo ở Điểm trường Huổi Xổm phải đi bộ vượt núi, băng rừng 6km suốt hai tiếng đồng hồ cùng nhiều đồ đạc, vật dụng để dọn dẹp, trang trí, sắp xếp lại lớp học, chuẩn bị cho ngày khai giảng.
Năm học 2022-2023, toàn huyện Nậm Pồ có hơn 20.700 học sinh ở 3 cấp theo học tại 41 trường với 141 điểm trường và 770 lớp học. Công tác tuyển sinh, huy động học sinh cơ bản bảo đảm theo kế hoạch đề ra. Để bảo đảm điều kiện tốt nhất cho năm học mới, ngoài việc sửa chữa, nâng cấp từ nguồn ngân sách nhà nước, ngành giáo dục còn kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ, quyên góp sức người, sức của để xây mới, sửa chữa lớp học và các hạng mục phụ trợ khác góp phần cải tạo cảnh quan trường học từ điểm trung tâm đến các điểm bản lẻ. Không khí hân hoan chào đón năm học mới đang về trên khắp các bản vùng cao biên giới Nậm Pồ. Dù xa xôi vất vả, nhưng bù lại, phụ huynh học sinh ở đây rất yêu mến thầy cô, mong chờ đến ngày khai giảng để con em mình được trở lại lớp học. Còn các thầy giáo, cô giáo, họ sẵn sàng lên đường với trái tim đầy nhiệt huyết, say nghề, yêu trẻ.
-----------------
Thầy giáo TRẦN HỮU TUYẾT, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS và THPT Hà Long, TP Tân An, tỉnh Long An:
“Kỷ cương, chất lượng, thân thiện”
Để đạt những mục tiêu xây dựng nhà trường, bước vào năm học mới, chúng tôi chuẩn bị công tác tuyển sinh các lớp đầu cấp (1, 6, 10) hoàn thành trước ngày 15-8 với tổng số học sinh ở cả 3 cấp học là gần 1.000, biên chế thành 31 lớp. Từ ngày 15-8, học sinh đã vào trường ôn tập, kiểm tra chất lượng đầu năm để xếp lớp theo năng lực và trình độ, từ đó trường bố trí giáo viên chủ nhiệm giảng dạy cho phù hợp đối tượng. Trước đó, theo chỉ đạo của ngành giáo dục, nhà trường đã kiểm tra, bổ sung trang thiết bị phòng, chống dịch, khử trùng và tu sửa cơ sở vật chất, chuẩn bị phòng học, trang thiết bị dạy học; bố trí giáo viên tham gia các lớp tập huấn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong năm học mới này, lớp 3, lớp 7, lớp 10 sẽ học theo chương trình mới. Trong đó, đối với lớp 10, công tác tuyển sinh, khảo sát phân lớp (tự nhiên và xã hội) về cơ bản đã thực hiện xong. Phần lớn số học sinh này không đỗ vào các trường công lập nên trường xác định đầu vào sẽ yếu hơn so với trường công lập, cần được đầu tư thời gian, công sức nhiều hơn. Vì vậy, nhà trường tổ chức dạy học ngày hai buổi, biên chế mỗi lớp chỉ khoảng 25-35 học sinh và cử giáo viên có năng lực giảng dạy để bảo đảm đầu ra phải đỗ tốt nghiệp 100%. Kết quả năm học vừa qua, ở cấp THCS, học sinh của trường chúng tôi đỗ tốt nghiệp 100%, có học sinh đỗ được vào các trường chuyên của tỉnh, trường công lập của thành phố; ở cấp THPT, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp 100%, tỷ lệ đỗ đại học hơn 85%. Hằng năm, trường đều có học sinh đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp thành phố. Xét về hệ tư thục của tỉnh, trường được xếp đứng đầu về chất lượng và số lượng. Thời gian tới, chúng tôi tập trung vào tăng tỷ lệ học sinh đỗ ở khối xét tuyển đại học điểm cao, học sinh giỏi cấp thành phố và cấp tỉnh; đối với đối tượng học sinh đại trà thì tập trung phương pháp dạy, kiểm tra đánh giá chất lượng khách quan và hạn chế đến mức thấp nhất học sinh yếu, học sinh chưa ngoan. Chúng tôi tự hào là ngôi trường có tập thể đoàn kết, tận tâm với học sinh mà nhiều trường công lập chưa làm được.