Việc cháu có thể tồn tại hay phát triển bản thân hay không, đó là thì tương lai, xin chưa đề cập tới. Chỉ xin nhìn ở hiện tại.

Một hành vi khai báo y tế không trung thực đang khiến cả nước sôi lên như chảo lửa. Chưa ai có thể định lượng được thiệt hại về kinh tế, khi người người, nhà nhà lao vào tích trữ lương thực, thực phẩm, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị đình đốn… Không ai có thể định ước được tổn hại về tinh thần của hàng triệu con người đang lo lắng hết mực vì Covid-19…

Ở điều kiện bình thường, một hành động gian dối của một cá nhân, vốn không có địa vị xã hội hay chức vụ cao trong bộ máy chính quyền, khó có thể gây tác hại trên diện rộng. Nhưng ở một thời điểm nhạy cảm như hiện nay, đó là câu chuyện hoàn toàn khác.

Để chống lại Covid-19, đem lại sự bình yên, sự trung thực phải được đặt lên hàng đầu. Chính phủ Việt Nam đang công khai, minh bạch hoàn toàn thông tin về tình hình bệnh dịch. Vấn đề còn lại thuộc về người dân. Nếu mỗi người đều khai báo trung thực tình trạng y tế, cơ quan chức năng sẽ nắm được diễn biến của dịch để có phương án xử lý hiệu quả. Nếu mỗi người đều tự ý thức được mối nguy hại của Covid-19 để tự cách ly bản thân khi cần thiết, chắc chắn bệnh dịch sẽ nhanh chóng được kiểm soát.

Kẻ gian dối có thể tồn tại, có được thành tựu ở một giai đoạn, thời điểm nào đó. Nhưng trong dài hạn, trong cả cuộc đời, “cái kim trong bọc lâu ngày lòi ra”, kẻ gian dối sẽ nhận hậu quả khôn lường.

Người trung thực luôn có được đời sống tinh thần lành mạnh, không bao giờ phải lo lắng, sợ hãi trước những biến cố của cuộc đời. Người trung thực luôn nhận được sự tin yêu của gia đình, của cộng đồng xung quanh. Thứ nữa, người trung thực là người gieo “nhân lành”, vì thế sớm muộn cũng sẽ nhận được “quả ngọt” của cuộc đời.

Vậy có cần lo lắng cho việc giáo dục một đứa trẻ về lòng trung thực, để sau này lớn lên thành một người trung thực? Sự cần thiết của việc giáo dục lòng trung thực như thế nào, chỉ cần qua câu chuyện gian dối về dịch Covid-19 vừa qua, có lẽ đã không còn cần phải bàn nữa! Trách nhiệm của phụ huynh, giáo viên, nhà trường và người lớn, nhất là những người giữ vai trò "cầm cân nảy mực" ở các cấp, các ngành không dừng lại ở việc giáo dục lòng trung thực cho con trẻ, cho nhân viên cấp dưới, mà hơn thế phải tự giáo dục mình và phải là một tấm gương trung thực để soi tỏ, lan tỏa trong xã hội. 

HUY ĐĂNG