Ăn cơm nhà vác tù và... khuyến học

Ở khu dân cư số 2, phường Phương Liên (Đống Đa, Hà Nội), nhiều người biết tới cụ Nguyễn Quang Phòng, 95 tuổi, người đã hết lòng vì sự nghiệp khuyến học. Tại khu dân cư, có trường hợp cháu Phạm Tự Minh là con thứ hai trong gia đình có 4 anh em, bố bị tâm thần, mẹ bỏ đi. Ba anh em Minh ở với bà nội, còn em út ở với bà ngoại. Cách đây 5 năm, vì hoàn cảnh gia đình, Minh đã muốn bỏ học nhưng nhờ sự động viên, giúp đỡ của cụ Phòng và khu dân cư, cháu đã đi học trở lại.

Giáo viên hướng dẫn học sinh Trường THCS Lê Lợi (TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) phương pháp tự học. Ảnh: THIÊN MINH 

Cụ Nguyễn Quang Phòng là một trong nhiều cá nhân luôn quan tâm hăng hái với hoạt động khuyến học, thúc đẩy xã hội học tập tại địa phương. Trên địa bàn quận Đống Đa còn có các tấm gương khuyến học Nguyễn Xuân Hòe, Ngô Kim Dung... Phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của quận thu hút sự tham gia của 57.399 hội viên, chiếm 15,1% dân số. Trung bình mỗi năm, quận và các phường trên địa bàn trao quà cho hơn 35.600 học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập, học sinh đạt thành tích cao, khoảng 450-500 người lớn học tập, lao động sáng tạo với số tiền thưởng ước tính 10 tỷ đồng.

Theo bà Hà Thị Lê Nhung, Chủ tịch Hội Khuyến học quận Đống Đa: Hội hoạt động hiệu quả là nhờ tấm lòng và sự đóng góp của rất nhiều người dân trên địa bàn. Chẳng thế mà khi thấy bà Nhung bận bịu tối ngày, có người đã hỏi bà: “Đi làm còn có ngày nghỉ. Cớ gì mà làm công tác hội, thứ bảy, chủ nhật vẫn đi suốt vậy?”. Vị chủ tịch hội cho rằng, thứ bảy, chủ nhật là ngày nghỉ, mọi người mới có nhiều thời gian dành cho việc khuyến học nên bà phải tranh thủ đi để động viên và kết nối những tổ chức, cá nhân phục vụ công tác khuyến học, khuyến tài.

Những ngày này, chúng tôi cảm nhận được không khí sôi nổi và khá bận rộn của những người làm công tác khuyến học. Khắp nơi trên cả nước từ Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Thọ đến Bình Phước, Trà Vinh, Kon Tum, TP Hồ Chí Minh... diễn ra các hoạt động khuyến học, khuyến tài, tổ chức tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời... trong đó, có dấu ấn rõ nét, công sức, trí tuệ và nhiệt huyết của những người làm công tác khuyến học, khuyến tài. 

Nhờ tinh thần nhiệt huyết của họ mà phong trào khuyến học, khuyến tài mang lại những lợi ích thiết thực cho người thụ hưởng và cả xã hội. Cùng với 4 mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", "Cộng đồng học tập", "Đơn vị học tập" là nòng cốt, còn có những cách làm khuyến học sáng tạo, phù hợp với từng hoàn cảnh như phong trào “Nuôi heo đất khuyến học-khuyến tài” của huyện Hồng Dân (Bạc Liêu); “Cây bưởi khuyến học” của các xã thuộc huyện Đoan Hùng (Phú Thọ)...

Nói về cộng đồng khuyến học cùng các lực lượng xã hội đã mang lại nhiều thành quả tốt đẹp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển xã hội học tập ở nước ta, GS, TS Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết: "Hội Khuyến học Việt Nam hiện có hơn 22 triệu hội viên. Mạng lưới tổ chức khuyến học, khuyến tài được triển khai trên 100% địa bàn dân cư và đang trở thành phong trào quần chúng mang tính tự giác cao. Trong phong trào nhân dân làm khuyến học, Hội Khuyến học Việt Nam đóng vai trò là lực lượng nòng cốt, kết nối mọi lực lượng xã hội để cùng nhau gánh vác sứ mệnh thúc đẩy sự học của người lớn và hỗ trợ giáo dục trong, ngoài nhà trường, lấy khuyến học, khuyến tài làm phương tiện thực hiện mục tiêu chiến lược đưa đất nước trở thành một xã hội học tập".

Những công dân học tập suốt đời

15 năm qua, Ngày Khuyến học Việt Nam (2-10) dần trở thành ngày hội để cả nước hướng về việc học. Tuy nhiên, dường như không phải ai cũng hiểu hết công việc khuyến học, khuyến tài. Ông Vũ Mạnh Hiền, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Thái Bình cho biết: “Lâu nay nói đến khuyến học, nhiều người nghĩ rằng hoạt động chỉ dừng lại ở việc phát phần thưởng cho học sinh, sinh viên. Nhưng thực tế, hoạt động khuyến học đối với người lớn cũng rất quan trọng. Hoạt động khuyến học, khuyến tài cần được tiến hành thường xuyên chứ không phải chỉ vào mỗi dịp 2-10”.

Bên cạnh đó, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Minh, Chủ tịch Hội Khuyến học TP Hà Nội: “Những người làm công tác khuyến học, khuyến tài đều nhận thức được rằng, việc khuyến học, khuyến tài cần thực chất chứ không chỉ là các hoạt động hình thức, hô hào. 4 mô hình học tập thực hiện từ năm 2012, nay được triển khai trong giai đoạn mới (2021-2030) có thêm những tiêu chí quan trọng như công dân học tập, kỹ năng số, kỹ năng sống”.

Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam xác định cốt lõi của các mô hình học tập là công dân học tập. Bà Nguyễn Thị Kim Hải, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ nhìn nhận: “Chúng ta đang thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia. Như vậy công dân học tập không chỉ là sản phẩm, là mục tiêu của sự chuyển đổi số mà còn là động lực-nhân lực cơ bản để vận hành xã hội số”. Thực tế cũng chứng minh hiệu quả việc triển khai công dân học tập, học tập suốt đời.

Bà Trịnh Thị Yến, Bí thư Chi bộ thôn Hà Lỗ (xã Liên Hà, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) là một trong 50 công dân học tập đầu tiên của TP Hà Nội. Sau hơn 9 tháng trở thành công dân học tập, bà vẫn tiếp tục tự học dưới nhiều hình thức. Bà cũng không quên giúp đỡ, động viên, khuyến khích mọi người trong gia đình, bà con hàng xóm học tập thường xuyên. Thậm chí, bà Yến đã xây dựng kế hoạch học tập tại trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm dạy nghề để làm tốt công việc sản xuất nông nghiệp và dịch vụ trên địa bàn thôn, xã mình. Bà Yến cùng những công dân học tập khác trên khắp cả nước đang đóng góp cho nền kinh tế tri thức, xây dựng xã hội học tập của đất nước. Họ cũng là những người đang xây dựng con đường tri thức, đưa dân tộc Việt Nam phát triển và hướng tới tương lai.

Ngày 25-3-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 387/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị giai đoạn 2021-2030”. Chương trình có mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào thi đua, học tập thường xuyên, liên tục, học tập suốt đời trong các tầng lớp nhân dân thông qua việc triển khai hiệu quả, nhân rộng 4 mô hình đáp ứng yêu cầu xây dựng xã hội học tập; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2030.

 

THÀNH PHONG