Rào cản từ nếp nghĩ “thi gì học nấy”
STEM là thuật ngữ viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Mathematics (Toán học). Đây là thuật ngữ rút gọn được sử dụng khi bàn đến các chính sách phát triển về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học của Mỹ. Giáo dục STEM là phương thức tích hợp chứ không phải một môn học. Các bài học được xây dựng theo chủ đề STEM nhằm lồng ghép kiến thức khoa học và toán học với các vấn đề trong công nghệ và kỹ thuật.
 |
CLB SOS Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam. |
Tại Việt Nam, từ năm 2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) phối hợp cùng Hội đồng Anh triển khai chương trình thí điểm STEM ở một số trường trung học. Hà Nội là một trong những địa phương triển khai đầu tiên mô hình này. Theo ông Trần Đăng Nghĩa, Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội, qua công tác tuyên truyền, tập huấn, từ lãnh đạo, chuyên viên tới giáo viên và phụ huynh đều nhận thấy, giáo dục STEM là mô hình giáo dục tiên tiến, mang xu hướng toàn cầu, được các nước áp dụng tích cực, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, giữa nghiên cứu và trải nghiệm, phát huy tối đa sức sáng tạo của học sinh.
Tuy nhiên, việc triển khai thực tế ở những năm đầu cho thấy nhận thức của cán bộ quản lý, giáo viên về STEM còn hạn chế. Điều này dẫn đến tình trạng lúng túng, thiếu bao quát trong quá trình phát triển ứng dụng mô hình giáo dục STEM tại các trường. Các chủ đề STEM chưa thay thế được những tiết học truyền thống, chưa chú trọng khâu thiết kế, nhiều dự án làm lại theo mẫu, quy trình có sẵn. Đặc biệt, nếp nghĩ “thi gì học nấy” là trở lực lớn trong việc đưa giáo dục STEM vào trường phổ thông.
Không riêng Hà Nội, tại các địa phương, như: Hải Phòng, Nghệ An, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh... phong trào giáo dục STEM cũng được nỗ lực thúc đẩy. TS Đặng Văn Sơn, Giám đốc chương trình STEM, Học viện Sáng tạo S3, thành viên Liên minh STEM, cho biết: "Tại Hải Phòng, sau 3 năm khởi động cùng sự hỗ trợ của Liên minh STEM, quận Kiến An đã tập huấn 100% trường tiểu học và THCS. Các mô hình câu lạc bộ (CLB) STEM, Ngày hội STEM đã được hình thành và hoạt động. Tuy nhiên, trong quá trình hỗ trợ, tập huấn cho giáo viên, các nhà trường tổ chức CLB STEM, các chuyên gia cũng gặp khó khăn trong việc thay đổi tư duy của thầy cô giáo. Thực tế trình độ của giáo viên chủ yếu giỏi lý thuyết, còn năng lực thực hành yếu. Không ít giáo viên ngại dạy học STEM vì sợ tốn thời gian và vì... không được thêm lương".
Hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo
Cô Nguyễn Thị Hồng, giáo viên dạy môn Hóa học, phụ trách CLB SOS Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam chia sẻ kinh nghiệm: "Điều mà nhà trường làm được là đẩy mạnh mô hình hoạt động các CLB STEM. Hiện nay, trường có 60 CLB STEM, riêng CLB SOS đã tròn 5 năm tuổi và có tới 100 học sinh giỏi, đoạt giải các kỳ thi quốc tế về khoa học. Ban đầu, mỗi tháng CLB chỉ sinh hoạt một lần với những chủ đề đơn giản nhằm kết nối, hỗ trợ kiến thức cho những học sinh yêu thích khoa học. Sau đó, nhu cầu thực hành lớn hơn nên phải mượn phòng thí nghiệm của nhà trường cho học sinh thực hiện những thí nghiệm khoa học vui, không có trong sách giáo khoa hoặc cải biến thí nghiệm trong sách giáo khoa thành các thí nghiệm vui".
Theo PGS, TS Lê Huy Hoàng, thành viên Ban Phát triển chương trình GDPT mới, Chủ biên chương trình môn Công nghệ: Thúc đẩy giáo dục STEM là một trong 4 giá trị cốt lõi của môn Công nghệ trong chương trình GDPT mới, vì môn học này thể hiện 2 trong 4 lĩnh vực giáo dục thuộc STEM là công nghệ và kỹ thuật. Nội dung học tập, đối tượng nghiên cứu của môn Công nghệ đã phản ánh tính liên môn, tích hợp. Theo đó, giáo dục STEM trong môn Công nghệ được thực hiện thông qua dạy học các chủ đề, mạch nội dung, chuyên đề học tập từ tiểu học tới trung học. PGS, TS Lê Huy Hoàng nhắc tới một số chủ đề, mạch nội dung như: Mô hình điện gió, mô hình điện mặt trời, ngôi nhà thông minh, thiết kế kỹ thuật, nghề nghiệp STEM; các dự án nghiên cứu thuộc các lĩnh vực kỹ thuật điện và cơ khí, hệ thống nhúng, robot và máy thông minh. Khi triển khai chương trình GDPT mới, giáo dục STEM trong dạy học môn Công nghệ tiếp tục được mở rộng thông qua dạy học các chủ đề liên môn giữa các môn học STEM.
Tuy nhiên, để triển khai giáo dục STEM thành công trong chương trình GDPT mới, PGS, TS Lê Huy Hoàng nêu quan điểm, các nhà trường cần có sự quan tâm đầy đủ và toàn diện tới lĩnh vực giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán, tin học; coi nhẹ một trong các lĩnh vực trên, giáo dục STEM sẽ không hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có sự hiểu biết đầy đủ, toàn diện và thống nhất nhận thức về giáo dục STEM; kết nối hoạt động giáo dục STEM với các hoạt động dạy học, giáo dục đang triển khai tại các cơ sở GDPT bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả khi triển khai; cần quan tâm bồi dưỡng đội ngũ giáo viên các môn Khoa học, Công nghệ, Toán học, Tin học.
Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI