Theo đó, học sinh được đánh giá công bằng ở các lĩnh vực khác nhau, không có môn nào là chính hay phụ. Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết Thông tư 22 giúp việc đánh giá học sinh toàn diện, đa dạng hơn trên quan điểm giáo dục cá nhân hóa học sinh.
Phóng viên (PV): Thưa ông, tháng 8-2020, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT (Thông tư 26) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT, nay lại có Thông tư 22. Xin ông lý giải sự tồn tại song song của 2 thông tư này?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Thông tư 26 nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế đánh giá, xếp loại học sinh THCS và THPT đã ban hành từ năm 2011, áp dụng với các học sinh đang theo học chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Còn thông tư 22 sẽ áp dụng với học sinh học chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu với lớp 6 năm học 2021-2022, lớp 7 và 10 năm học 2022-2023, lớp 8 và 11 năm học 2023-2024, lớp 9 và 12 năm học 2024-2025. Hai văn bản này sẽ tồn tại cùng nhau trong 4 năm học tới.
 |
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học. |
Thông tư 22 có nhiều nội dung tiếp tục từ Thông tư 26, trong đó có quy định về hình thức đánh giá (đánh giá bằng nhận xét, đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số). Theo đó, đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh căn cứ vào yêu cầu cần đạt về phẩm chất chủ yếu và năng lực chung theo các mức độ phù hợp với môn học, cấp học quy định trong Chương trình tổng thể và yêu cầu cần đạt về năng lực đặc thù quy định trong Chương trình môn học trong Chương trình giáo dục phổ thông.
Thông tư mới không xếp loại hạnh kiểm mà đánh giá kết quả rèn luyện của học sinh trong từng học kỳ và cả năm học theo 1 trong 4 mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt. Trước đây việc đánh giá, xếp loại kết quả học tập theo học lực (giỏi, khá, trung bình, yếu, kém), còn Thông tư 22 đánh giá kết quả học tập theo các mức: Tốt, Khá, Đạt, Chưa đạt.
Một điểm mới nữa là quy định về khen thưởng. Thông tư 22 quy định khen thưởng cuối năm học với danh hiệu “học sinh xuất sắc” và “học sinh giỏi”. “Học sinh xuất sắc” là học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt, kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt và có ít nhất 6 môn học được đánh giá bằng nhận xét kết hợp với đánh giá bằng điểm số có điểm trung bình môn cả năm đạt từ 9,0 điểm trở lên. Danh hiệu “học sinh giỏi” đối với những học sinh có kết quả rèn luyện cả năm học được đánh giá mức Tốt và kết quả học tập cả năm học được đánh giá mức Tốt.
 |
Học sinh Trường THCS Thăng Long, Ba Đình, Hà Nội. |
PV: Thông tư 22 không còn tính điểm trung bình tất cả các môn học. Sự thay đổi này được hiểu như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Theo quy định tại Thông tư 22, với môn học đánh giá bằng nhận xét kết hợp đánh giá bằng điểm số thì kết quả học tập của học sinh được thể hiện ở mức đánh giá, thông qua nhận xét và điểm trung bình từng môn học. Như vậy, không còn việc gộp thành điểm trung bình của tất cả các môn học để đánh giá như trước để “môn này, gánh cho môn kia”.
Với kết quả học tập của từng môn học riêng rẽ, học sinh, phụ huynh và thầy, cô giáo có thể nhìn nhận cụ thể mỗi học sinh có những điểm mạnh, yếu khác nhau. Khái niệm “học sinh giỏi” sẽ được nhìn nhận toàn diện và đa dạng hơn trên quan điểm giáo dục cá nhân hóa từng học sinh.
PV: Như vậy với cách đánh giá này sẽ không còn quan niệm “môn chính-môn phụ”?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Quy định này thể hiện quan điểm coi các môn học công bằng như nhau, không có môn nào là môn chính hay môn phụ. Ngoài việc chống học lệch (coi trọng các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ), học sinh được đánh giá công bằng ở các lĩnh vực khác nhau. Học sinh không phải cứ giỏi Toán, Văn mới là giỏi, mà có thể giỏi các môn khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội. Khi học lên THPT, tính phân hóa, hướng nghiệp cao hơn, học sinh sẽ có thiên hướng học nhiều hơn, tốt hơn ở các môn phù hợp với tố chất và định hướng nghề nghiệp, phù hợp với quan điểm đánh giá này.
PV: Có ý kiến cho rằng khi thực hiện đánh giá bằng nhận xét sẽ gây quá tải, tăng áp lực với giáo viên khi dạy nhiều lớp. Ông nghĩ sao về điều này?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Quy định tại Thông tư 22 có những điểm kế thừa, đó là việc giảm đầu điểm kiểm tra định kỳ. Mỗi môn học chỉ có 4 đầu điểm kiểm tra định kỳ, bên cạnh các điểm kiểm tra thường xuyên. Việc kiểm tra cũng đa dạng, linh hoạt và giao chủ động cho giáo viên.
Cụ thể điểm kiểm tra định kỳ có thể là bài kiểm tra trên giấy hoặc máy tính, có thể bài thực hành hoặc dự án học tập. Còn điểm kiểm tra thường xuyên sẽ đa dạng hơn: Hỏi-đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ giáo viên giao trước, trong và sau giờ học…
Trong quy định mới các môn Giáo dục thể chất, Nghệ thuật, Âm nhạc, Mỹ thuật, Nội dung giáo dục của địa phương, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp chỉ đánh giá nhận xét (cả thường xuyên và định kỳ) còn các môn còn lại đánh giá bằng nhận xét điểm số kết hợp đánh giá bằng điểm số.
PV: Làm thế nào để việc nhận xét, đánh giá này không trở nên máy móc?
Ông Nguyễn Xuân Thành: Việc này sẽ không áp dụng theo kiểu giáo viên phải ghi học bạ hay ghi vào sổ theo dõi nhận xét từng học sinh vào cuối kỳ, cuối năm. Việc đánh giá bằng nhận xét cần phải thực hiện thường xuyên thông qua hình thức viết hoặc nói trong quá trình dạy học nhằm giúp học sinh tiến bộ.
Quy định cũng nêu việc giáo viên có thể hướng dẫn học sinh tự đánh giá trong quá trình rèn luyện và học tập; cha mẹ học sinh, các cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia vào quá trình giáo dục học sinh cũng có thể có ý kiến nhận xét, phản hồi.
Giáo viên khi đánh giá học sinh vào cuối kỳ, cuối năm có thể dựa trên các thông tin phản hồi của cha mẹ học sinh và ý kiến của các cơ quan liên quan (nếu có) cùng với việc theo dõi học sinh trong quá trình học tập. Nếu giáo viên làm đúng hướng dẫn, việc đánh giá thường xuyên được thực hiện ngay trong quá trình dạy học ở từng bài học, không bị dồn việc vào các thời điểm cuối kỳ.
HẢI BÌNH (ghi)