Dù còn nhiều bất cập, mô hình dạy học kết hợp trực tiếp lẫn trực tuyến vẫn là cách ứng phó cần thiết trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.  

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ

Học sinh một số cấp học của Hà Nội đã đến trường học trực tiếp. Tuy nhiên, do số học sinh là F0, F1 tăng nhanh khiến việc học của các em bị gián đoạn. Với tinh thần không để học sinh nào bị bỏ lại phía sau, nhiều trường học trên địa bàn thành phố đã chủ động xây dựng phương án, chuẩn bị trang thiết bị, triển khai các hình thức dạy học kết hợp trực tuyến và trực tiếp.

        Một giờ học kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến tại Trường THCS Thăng Long, Hà Nội.

Thích ứng với điều kiện học mới, Trường THCS Ái Mộ (quận Long Biên) đã điều chỉnh kế hoạch dạy học dựa trên nguồn lực và tình hình dịch bệnh. Thầy Nguyễn Ngọc Sơn, Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Trường đã nghiên cứu xây dựng thời khóa biểu khoa học, phù hợp với hai loại hình trực tuyến và trực tiếp, tránh xáo trộn các hoạt động dạy học. Các lớp được trang bị hệ thống âm thanh, đường truyền mạng để có thể dạy học song song. Những học sinh là F0, F1 có thể tương tác được với thầy cô giáo ngay trên lớp, còn giáo viên dạy online trong điều kiện cách ly vẫn tương tác được với học sinh".

Tuy nhiên, thầy Ngọc Sơn cho rằng, đây chưa phải giải pháp tối ưu, bởi không phải giáo viên nào cũng có thể thích ứng với sự chuyển đổi giữa hai hình thức dạy học trong một buổi học. Để linh hoạt, hiệu quả hơn, học sinh nên được phân tầng theo các tiêu chí của ngành y tế. Chẳng hạn, chia nhỏ lớp học, đánh giá nguy cơ, lứa tuổi chưa được tiêm thì ưu tiên vào lớp học online. Với lứa tuổi lớn hơn, đã tiêm đủ liều vaccine, thực hiện được 5K trong lớp học thì tổ chức học trực tiếp.

Cũng triển khai song song hai hình thức dạy học, nhưng Trường THCS Yên Sở (quận Hoàng Mai) lại chuẩn bị riêng 3 phòng trực tuyến để các giáo viên dạy cho học sinh lớp 6; 3 phòng lắp đặt camera và máy tính để dạy cho các học sinh khối 7, 8, 9 không thể đến trường. Ứng phó với số lượng học sinh và giáo viên biến động liên tục trong các lớp học trực tuyến và trực tiếp, cùng với công tác tuyên truyền, chăm lo sức khỏe cho học sinh, các nhà trường đã rà soát cơ sở vật chất, tăng cường thêm học liệu số; đồng bộ các thiết bị dạy học trực tuyến và xây dựng đường truyền mạng ổn định, nền tảng quản lý học online. Bên cạnh đó, nhiều lớp tập huấn được triển khai, giúp đội ngũ giáo viên tiếp cận hình thức dạy học, kiểm tra đánh giá linh hoạt, chủ động khi tình hình dịch bệnh thay đổi. Đặc biệt, nội dung chương trình, kế hoạch dạy học được các tổ chuyên môn rà soát, lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp nhất.

Mong được gỡ rối

Dù đang dạy học trực tiếp nhưng đến thời điểm kiểm tra giữa kỳ, Trường THCS Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình) quyết định tổ chức thi trực tuyến. Giải pháp này không chỉ giúp tất cả thí sinh được thi trong điều kiện như nhau mà những giáo viên là F1 vẫn có thể coi thi bình thường, tránh tình trạng thiếu giám thị.

Chia sẻ về những khó khăn gặp phải với các lớp học “on-off”, thầy Phương Đức Việt, Phó hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Hoa Thám cho hay: “Có thời điểm 65% học sinh, giáo viên của nhà trường là F0, F1. Để học sinh tới trường an toàn, chúng tôi thực hiện theo các quy định xử lý F0, F1, cùng với đó là điều kiện về vùng dịch. Cứ như vậy, mỗi tuần chúng tôi lại ngóng về thứ sáu để xem bao nhiêu em ở "vùng cam, vùng đỏ"; bao nhiêu giáo viên và học sinh là F0, F1. Chúng tôi cảm thấy áp lực với việc thống kê xem tuần sau có mở trường hay không”.

Theo dõi một lớp học online kết hợp offline, chúng tôi nhận thấy nhiều bất cập. Giáo viên dù cố gắng hết sức và đổi mới phương pháp dạy học đến đâu cũng không thể bao quát tất cả học sinh trên lớp cũng như ở nhà. Phần lớn học sinh học online ở nhà phải chủ động theo dõi bài học, với tâm lý học được bao nhiêu tốt bấy nhiêu.

Phân tích những bất cập sau thời gian dạy học theo mô hình trực tiếp kết hợp trực tuyến, cô Lê Thị Thơ, giáo viên bộ môn Tiếng Anh, Trường THPT Chúc Động (huyện Chương Mỹ, tỉnh Hưng Yên) cho rằng, bản chất lớp học qua mạng và lớp học truyền thống khác nhau nên việc soạn bài, điều hành, giảng dạy của giáo viên cũng phải khác. Khi tích hợp hai mô hình vào trong một tiết học, giáo viên và học sinh đều rất vất vả. Giáo viên không thể phân phối sự quan tâm như nhau đến tất cả học sinh đang nghe giảng trên lớp hay học trực tuyến ở nhà.

Theo quy định của Bộ Y tế hiện nay, cứ 1 học sinh là F0 sẽ có từ 4 đến 6 học sinh F1, phải nghỉ ở nhà từ 5 ngày nếu đã tiêm đủ vaccine và 7 ngày nếu chưa tiêm. Thêm nữa, các trường học sẽ căn cứ theo mức độ dịch để cho học sinh đến trường học trực tiếp hay trực tuyến. Quy định này đang gây khó khăn cho cả nhà trường, học sinh, phụ huynh. Bởi vậy, các trường mong muốn Bộ Y tế sẽ có hướng dẫn mới, phù hợp hơn với việc xử lý các trường hợp F1 trong trường học.

Bài và ảnh: NGUYỄN HẰNG