Tin vui trong ngày 13-9 ở vùng lũ Làng Nủ, xã Phúc Khánh (Bảo Yên, Lào Cai) là hai hộ dân với 8 nhân khẩu được cho là mất tích do sạt lở đất đã trở về an toàn.
Trước đó, 17 hộ dân của thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu (Bắc Hà, Lào Cai) với hơn 70 nhân khẩu được tìm thấy trên đồi trong trạng thái khỏe mạnh... Sự việc tựa như một phép màu và phép màu ấy sẽ chẳng thể xảy ra nếu họ không nhanh nhạy, chủ động di dời trước diễn biến bất thường của thời tiết.
|
|
17 hộ dân của thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu (Bắc Hà, Lào Cai) với hơn 70 nhân khẩu được tìm thấy trên đồi trong trạng thái khỏe mạnh... Ảnh minh họa: qdnd.vn |
Còn tại Bắc Giang, nhiều biện pháp phổ biến kiến thức và kỹ năng bảo đảm an toàn khi đối mặt với các tình huống thiên tai cho học sinh đã được Trường THCS Trần Nguyên Hãn chủ động triển khai trước bão lụt.
Câu chuyện cho thấy, ở một đất nước thường xuyên đối mặt với thiên tai như Việt Nam, việc trang bị kỹ năng sinh tồn cho mọi người, đặc biệt là học sinh-một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất-không chỉ là nhu cầu cần thiết mà còn là yếu tố mang tính sống còn để bảo vệ người dân trước những thách thức ngày càng khắc nghiệt của thời tiết.
Thiên tai không chỉ là mối đe dọa nghiêm trọng đối với tính mạng và tài sản mà còn là bài kiểm tra về khả năng ứng phó của con người. Sự kiện bão Yagi đã làm lộ rõ những khoảng trống trong việc trang bị kỹ năng sinh tồn cho người dân.
Dù nhiều nơi đã có những nỗ lực phổ biến kiến thức cơ bản nhưng sự chuẩn bị này chưa đồng đều, chưa mang tính hệ thống và không đủ sâu rộng. Kỹ năng ấy không đơn thuần là khả năng phản ứng nhanh trong những tình huống nguy hiểm mà còn là hiểu biết về cách ứng phó với các nguy cơ từ thiên tai đến các tai nạn khác nhau trong cuộc sống. Thực tế cho thấy, khi đối mặt với tình huống nguy hiểm, nhiều người dân chưa thực sự biết cách xử lý để tự bảo vệ mình và giúp đỡ người khác.
Thiên tai là điều không thể tránh khỏi, nhưng con người có thể chuẩn bị tốt hơn để chủ động đối mặt. Nhật Bản là một ví dụ điển hình, nơi động đất xảy ra thường xuyên và người dân luôn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Từ khi bước vào lớp 1, trẻ em Nhật Bản đã được giáo dục không chỉ kiến thức mà còn cả kỹ năng sinh tồn, bắt đầu bằng việc học cách đối phó với tình huống nguy hiểm.
Mỗi lứa tuổi, các em thực hành nhiều bài học khác nhau để hiểu rõ hơn về nguy cơ thiên tai, từ đó có thể phản ứng tự tin và nhanh nhạy hơn. Việc hiểu đất nước thường xuyên phải đối mặt với những thảm họa nào cũng dần giúp các em hình thành ý thức về trách nhiệm xã hội và chọn những ngành nghề có thể đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề của đất nước.
Trong thế giới đầy biến động ngày nay, để bảo đảm một cuộc sống an toàn và bền vững, con người cần được trang bị kỹ năng sinh tồn cần thiết. Giáo dục cần mở rộng hơn nữa để không chỉ tập trung vào việc giỏi học thuật mà còn giúp mọi người sẵn sàng đối mặt với những thử thách thực tế của cuộc sống. Những kỹ năng kết hợp giữa lý thuyết và trải nghiệm thực tế không nên chỉ tập trung ở những vùng chịu thiên tai mà cần được mở rộng đến cả khu vực đô thị, giúp người dân luôn có tâm thế chủ động. Khi đó, chúng ta mới có thể tạo dựng một tương lai an toàn và vững mạnh cho thế hệ tiếp theo.
THU HÀ
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.