Dù đây vẫn là điểm yếu của sinh viên đại học ở nước ta, nhưng năm nay, nhiều trường cho thấy các công trình của sinh viên đều có tính mới, sáng tạo, có giá trị khoa học và hướng tới giải quyết các bài toán trong cuộc sống.
Đề tài bám sát thực tiễn
Hai năm qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, hầu hết sinh viên bị hạn chế đến phòng thí nghiệm, hạn chế về thực tập, đặc biệt tại các doanh nghiệp. Tuy nhiên, kết quả NCKH và sáng tạo của nhiều em rất khả quan, được thể hiện qua các con số, chất lượng các đề tài. Mỗi sinh viên thi tham gia NCKH đều đòi hỏi phải có nền tảng kiến thức cơ bản. Không chỉ dừng lại ở các kiến thức đó, trong quá trình nghiên cứu còn đòi hỏi người nghiên cứu không ngừng bổ sung, hoàn thiện kiến thức của mình. Nhiều sinh viên cho rằng chính điều đó tạo cho các em kỹ năng nghiên cứu và kiến thức phục vụ đề tài. Khi tham gia NCKH, sinh viên được tiếp cận với những vấn đề cụ thể, có ý thức đào sâu suy nghĩ và tập cách tư duy để tự nghiên cứu giải quyết một vấn đề.
 |
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội giới thiệu những dự án NCKH. |
Xu hướng áp dụng AI (trí tuệ nhân tạo) để giải quyết các bài toán trong cuộc sống xuất hiện ở nhiều đề tài. Với đề tài “Ứng dụng AI vào công tác dự báo trong ngành điện”, 3 sinh viên ngành kỹ thuật điện, Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội là Nguyễn Vũ Nhật Nam, Phạm Hải Minh và Phan Quốc Bảo đã mang tới một cách tiếp cận mới. Nhật Nam cho biết: “Với sự tham gia ngày càng nhiều của năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời cùng với tính bất định của chúng thì việc dự báo với độ chính xác cao đóng vai trò quan trọng trong việc vận hành hệ thống điện. Do vậy đề tài có thể ứng dụng để dự báo trong ngành điện, tại các trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia/hệ thống điện miền, tại nhà máy điện gió và mặt trời để lên kế hoạch vận hành”.
Khả năng áp dụng đề tài vào cuộc sống của nhóm cũng chính là mục tiêu của gần 300 đề tài NCKH với sự tham gia hơn 900 sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. PGS Huỳnh Đăng Chính, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Chất lượng khoa học và ứng dụng của các đề tài khoa học do sinh viên nghiên cứu năm nay được phát triển đồng đều, thể hiện ở số lượng công bố chất lượng cao tăng lên hơn 50% và số lượng sản phẩm thực tế giữ ổn định ở mức 70-80 sản phẩm trên toàn 22 phân ban. Đáng mừng là số lượng công bố chất lượng cao có sinh viên là tác giả chính, tác giả liên hệ đạt gần 20 bài, chiếm tổng số 25% trong tổng số trên 80 bài báo có sinh viên tham dự”.
Năm nay, hoạt động NCKH của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng để lại con số khá ấn tượng với sự tham gia của gần 660 sinh viên cùng 371 báo cáo, trong đó, một số báo cáo được hội đồng đánh giá cao. PGS, TS Trần Quốc Bình, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên cho biết: "Năm nay, các nghiên cứu đều gắn với nhu cầu cấp thiết của xã hội, nhiều báo cáo liên quan đến dịch Covid-19, các vấn đề ô nhiễm không khí... Đặc biệt, báo cáo của sinh viên đã có tính kết hợp giữa các khoa với nhau tạo nên tính liên ngành khá lớn. Các đề tài đều đạt đến mức độ hoàn thiện nghiên cứu sản phẩm tốt, định hướng ứng dụng, đổi mới sáng tạo gắn với thực tiễn xã hội".
Hệ sinh thái khởi nghiệp
Nhằm khuyến khích khả năng NCKH trong sinh viên, nhiều cơ sở đào tạo đã gắn môi trường học tập với trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp và cùng hướng tới hệ sinh thái khởi nghiệp. Là một trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực với 50 ngành/chương trình đào tạo đại học và sau đại học, hiện nay 30-50% thời gian học tập của sinh viên Trường ĐH Phenikaa là trải nghiệm thực tế. GS, TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa cho biết: "Sinh viên được thực hành, thực tập tại gần 30 công ty thành viên của Tập đoàn Phenikaa và công ty, doanh nghiệp đối tác của tập đoàn, cũng như tham gia các dự án nghiên cứu ứng dụng trong Hệ sinh thái Phenikaa và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Phenikaa. Hoạt động này góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường, giúp sinh viên tiếp cận được sâu hơn các ngành, nghề mới trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0".
Trực tiếp tham quan các sản phẩm được trưng bày tại Triển lãm sinh viên NCKH và sáng tạo, PGS, TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận định những kết quả NCKH ứng dụng của sinh viên nếu được đầu tư, hoàn toàn có thể triển khai thành những công ty Start-up (khởi nghiệp) hoặc những sản phẩm đứng vững trên thị trường. Nhà trường xây dựng cơ chế tài chính để giúp các thầy cô có thể hình thành các công ty Spin-off (công ty công nghệ triển khai kết quả nghiên cứu ứng dụng của các nhà khoa học với hình thức đồng sở hữu của cơ sở nghiên cứu và nhà phát minh), còn sinh viên có thể hình thành công ty Start-up.
Tiếp cận với nhiều ý tưởng mới của người trẻ, ông Nguyễn Đức Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietchem, doanh nghiệp chuyên cung ứng hóa chất và thiết bị, đa dạng lĩnh vực kinh doanh cho biết: “Tôi thích theo dõi các cuộc thi NCKH của sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội để động viên, hỗ trợ kịp thời đội ngũ giảng viên và sinh viên. Qua đó, chúng tôi tìm được các ý tưởng sáng tạo, đề tài khoa học công nghệ, tìm được sản phẩm của sinh viên có thể thay thế cho sản phẩm của nước ngoài".
Có thể thấy, NCKH từ một sân chơi trí tuệ dành cho sinh viên được kỳ vọng sẽ kết nối và nuôi dưỡng các dự án, mở rộng các đề tài. Từ đó ứng dụng vào thực tiễn, góp phần giúp sinh viên phát triển nghiên cứu chuyên sâu cũng như khởi nghiệp trong tương lai.
Bài và ảnh: KHÁNH HÀ