Ở thế hệ chúng tôi và có lẽ bây giờ vẫn vậy, được xếp thành tích đứng đầu lớp là niềm vinh dự, tự hào. Hồi ấy, kết quả của việc thi đua lành mạnh trong học tập sẽ được phản ánh qua điểm số. Để đánh giá bạn nào giỏi giang hơn, hầu hết cha mẹ, thầy cô sẽ nhìn vào bảng điểm học tập. Việc “đội sổ” là điều không vui vẻ gì đối với một đứa trẻ ở tuổi đến trường. Nhưng, đó lại được cho là bình thường đối với một vài học sinh cá biệt, nghịch ngợm, ham chơi. Kết quả học tập bết bát sẽ đồng nghĩa với những trận đòn đáng nhớ từ cha mẹ khi mà sự kỳ vọng của phụ huynh không được đáp đền xứng đáng.
Thế nhưng, đến khi trưởng thành, bước vào cuộc sống, chúng tôi mới hiểu, việc đứng đầu hay cuối lớp về kết quả học tập chỉ là một tiền đề quan trọng chứ không quyết định tất cả. Điều cần hơn chính là định hướng của thầy cô, của gia đình để những đứa trẻ đứng đầu lớp tiếp tục phát huy sự ham học và thuận lợi bước chân vào cuộc sống, còn những học sinh cá biệt từng “đội sổ” sẽ nhận ra những sai lầm mà lựa chọn cho mình lối đi đúng khi vào đời. Thực tế ở thế hệ chúng tôi, nhiều người thành công trong cuộc sống không hẳn vì khi xưa có thành tích học tập đứng đầu lớp. Dĩ nhiên, nói điều đó không có nghĩa là tất cả mà chúng ta vẫn phải khẳng định, mọi sự nỗ lực học tập của học sinh sẽ là tiền đề tốt cho tương lai.
Hiện nay, việc xếp loại kết quả học tập đối với trẻ đã toàn diện hơn. Sự đánh giá chung hướng đến là những bậc thang mang tính quy ước. Quá trình học tập, rèn luyện của học trò cũng không chỉ được nhìn nhận bằng điểm số môn học mà cả năng lực cá nhân, kỹ năng sống, phẩm chất đạo đức... Điều này được kỳ vọng là sẽ đánh giá một cách toàn diện học sinh gắn với mục tiêu hướng đến hình thành phẩm chất, nhân cách và năng lực cho người học. Khi thực hiện tốt điều đó thì thành tích không còn là gánh nặng đối với nhà trường và người học cũng không còn quá quan trọng thứ hạng của mình trong lớp.
Gác lại chuyện điểm số và xếp loại học sinh, nhìn rộng ra là việc đánh giá vị trí của giáo dục nước nhà trên trường quốc tế. Chỉ cách đây ít ngày (chiều 2-5), tại Tọa đàm “Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số” do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức, các chuyên gia tranh luận nhiều chiều về “chỗ đứng” hiện tại của nền giáo dục Việt Nam. Người thì xếp giáo dục nước nhà ở tốp đầu khu vực, thậm chí đứng trong tốp đầu thế giới về sự đổi mới; cũng có chuyên gia khiêm nhường hơn khi lựa chọn giáo dục nước nhà nằm trong hàng... “đội sổ”. Thật ra quan điểm của mỗi người đều có lý riêng. Chỉ mong sao những người có trách nhiệm sẽ xác định vị trí phù hợp của giáo dục nước nhà để thúc đẩy sự nghiệp "trồng người" phát triển lành mạnh, toàn diện hơn trong thời gian tới.
TUỆ ANH