Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đang được Quốc hội bàn thảo đề cập tới quy định chấp nhận rủi ro được kỳ vọng là bước đột phá quan trọng về tư duy quản lý, mở đường cho nền khoa học nước nhà thực sự cất cánh.
Rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo có nghĩa là cá nhân, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước để nghiên cứu khoa học, quá trình nghiên cứu đúng, chi tiêu theo quy định, nhưng cuối cùng kết quả không như dự kiến. Trên thực tế, rủi ro là điều không thể loại bỏ trong nghiên cứu khoa học, nhất là với những lĩnh vực công nghệ cao, các dự án có tính tiên phong. Các quốc gia phát triển như Mỹ, Đức, Hàn Quốc... đều có cơ chế chia sẻ rủi ro trong nghiên cứu để khuyến khích sáng tạo và thử nghiệm. Việc dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đưa nội dung “chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo” đang nhận được sự ủng hộ rất cao từ giới nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách.
 |
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tham quan và học tập tại phòng thí nghiệm ở cơ sở Hòa Lạc. Ảnh: baotintuc.vn |
Cụ thể, Điều 9 của dự thảo luật quy định, “tổ chức, cá nhân thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo không bị truy cứu trách nhiệm hành chính hoặc trách nhiệm dân sự đối với thiệt hại gây ra cho nhà nước nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình, quy định trong quá trình triển khai và không có hành vi gian lận, vi phạm pháp luật hoặc sử dụng sai mục tiêu, phạm vi kinh phí”. Bên cạnh đó, không chỉ dừng lại ở đội ngũ nhà khoa học, quy định này còn bao phủ cả các doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước tham gia đổi mới công nghệ và cả người phê duyệt, quản lý nhiệm vụ khoa học, công nghệ nếu đã thực hiện đầy đủ quy định quản lý nhiệm vụ, quy trình và nội dung nghiên cứu.
Thảo luận tại tổ về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) bày tỏ sự đồng tình khi dự thảo luật đã cụ thể hóa các chính sách kích thích khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học. Điều này sẽ giúp các cá nhân, tổ chức mạnh dạn hơn trong việc theo đuổi những ý tưởng mới, những nghiên cứu mang tính đột phá. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần phân loại tùy nhóm và lĩnh vực cũng như mức độ thì mới áp dụng chấp nhận rủi ro; đồng thời cần có chế tài để quản lý, nếu không sẽ khó kiểm soát. Có ý kiến cũng cho rằng, việc giao Chính phủ quy định chi tiết về tiêu chí rủi ro được chấp nhận, quy trình đánh giá tuân thủ và cơ chế bảo vệ là cần thiết để ngăn chặn tình trạng lạm dụng chính sách, biến rủi ro khoa học thành “lá chắn” cho yếu kém hoặc tiêu cực.
Chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là cơ sở pháp lý quan trọng giúp giải phóng tư duy sợ trách nhiệm, khuyến khích đổi mới sáng tạo có kiểm soát rủi ro, đồng thời bảo đảm minh bạch và kỷ luật trong sử dụng ngân sách nhà nước. Chính sách này nếu được triển khai đúng đắn sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên tri thức và sáng tạo.
VŨ DUNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.