Để thúc đẩy sáng tạo, phát triển công nghiệp CNC, thời gian qua, Chính phủ đặc biệt quan tâm, chỉ đạo quyết liệt xây dựng chiến lược đào tạo nhân lực CNC, ban hành các chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao. Cụ thể, ngày 21-9-2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1017/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình “Phát triển nguồn nhân lực ngành CNBD đến năm 2030, định hướng đến năm 2050”. Theo đó, Chương trình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 sẽ đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên phục vụ ngành CNBD, trong đó, đào tạo ít nhất 42.000 kỹ sư, cử nhân; có ít nhất 7.500 học viên thạc sĩ và 500 nghiên cứu sinh...; đến năm 2050 sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tại Việt Nam về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực ngành CNBD trong tất cả công đoạn của chuỗi giá trị...
Đánh giá về những chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bà Vũ Thị Mai, Trưởng ban Tổ chức nhân lực, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội cho biết: “Thời gian qua, Đảng, Chính phủ dành sự quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cụ thể, Chính phủ ban hành rất nhiều chiến lược và các chương trình quốc gia về phát triển CNC như CNBD, trí tuệ nhân tạo... điều này cho thấy định hướng xuyên suốt, rõ ràng, giúp cho các cơ sở giáo dục có hướng để đào tạo nhân lực CNC”.
 |
Giờ thực hành của sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật điện, điện tử (định hướng công nghệ bán dẫn), Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội. |
Có thể thấy nhu cầu của thị trường lao động, đặc biệt các lĩnh vực CNC biến động rất nhanh. Từ năm 2001 đến 2021, ngành CNBD toàn cầu tăng 14%/năm, đạt doanh thu 600 tỷ USD vào năm 2023; dự kiến đến năm 2030, ngành CNBD tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 1.000 tỷ USD. Nhu cầu thế giới cũng sẽ tăng thêm 1 triệu lao động vào năm 2030 cho các khâu thiết kế, sản xuất, lắp ráp, đóng gói, kiểm thử chip... Để triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực ngành CNBD, CNC, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang hoàn thiện dự thảo Đề án “Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển CNC giai đoạn 2025-2035 và định hướng đến năm 2045”. Đề án đề cập đến 8 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, trong đó tăng cường giáo dục và hướng nghiệp đội ngũ nhân lực các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), hiện đại hóa chương trình và phương thức đào tạo, triển khai các chương trình đào tạo tài năng STEM gắn với phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh then chốt; tăng cường đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất... PGS, TS Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Đề án hướng đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về STEM, các lĩnh vực, ngành STEM là trọng điểm. Khi chúng ta phát triển được nguồn nhân lực này thì sẽ không phải phụ thuộc vào sự biến động của thế giới, bởi chúng ta đã có sẵn nguồn nhân lực để theo kịp với sự phát triển của CNC”.
Tuy nhiên, để Đề án được triển khai có hiệu quả thì theo các chuyên gia, chúng ta cần phải thay đổi chính sách tuyển sinh đào tạo ở giáo dục phổ thông, khuyến khích học sinh học khoa học tự nhiên, định hướng cho học sinh lựa chọn STEM ngay từ giáo dục phổ thông. Mỗi cơ sở giáo dục đại học cần ưu tiên hơn vào những ngành mũi nhọn, thế mạnh của Việt Nam như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, khoa học kỹ thuật dữ liệu; cùng với đó, các trường đại học cần kết nối với các doanh nghiệp CNC... để có thể tiếp cận được với những công nghệ mới nhất, tiên tiến nhất phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực CNC.
Nắm bắt được điều đó, thời gian qua, các trường đại học đã có những thay đổi trong phương thức tuyển sinh, giáo dục để đào tạo nguồn nhân lực ở các lĩnh vực CNC. Như Đại học Quốc gia Hà Nội hiện nay có hơn 3.000 cán bộ khoa học, gần 50 nhóm nghiên cứu, trong đó có 200 nhà khoa học đạt chuẩn quốc tế xuất sắc, chủ yếu là các nhà khoa học trẻ, nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm và phòng thí nghiệm chuyên đề... Chính vì vậy, Đại học Quốc gia Hà Nội được định hướng trở thành trung tâm nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, vi mạch, an ninh mạng và công nghệ sinh học. Hiện nay, Đại học Quốc gia Hà Nội đang xây dựng khu nghiên cứu tập trung, xây dựng các tổ hợp, các phòng thí nghiệm trọng điểm, các viện nghiên cứu... để đào tạo nguồn nhân lực trong các lĩnh vực STEM.
Còn với Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông (Đại học Thái Nguyên), năm 2024, nhà trường đã xây dựng, điều chỉnh và tuyển sinh 24 chương trình đào tạo với khoảng 3.000 chỉ tiêu, trong đó đều là những ngành đào tạo lĩnh vực có tính ứng dụng cao trên nền tảng công nghệ số, phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia và cách mạng công nghiệp 4.0. Lần đầu tiên trường cũng đưa vào kế hoạch tuyển sinh các chương trình đào tạo mới là vi mạch bán dẫn nhằm mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp...
Bên cạnh việc đầu tư vào giáo dục, đào tạo chuyên sâu các chuyên ngành CNBD, CNC thì các nhà trường cũng cần liên kết với những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này để tạo ra hệ sinh thái nhân lực mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường toàn cầu. Ngoài ra, chúng ta cũng cần xây dựng chương trình chuẩn về năng lực quốc gia dành cho ngành CNC để các trường xác định rõ tiêu chí, kỹ năng cần thiết và tiêu chuẩn chuyên môn mà lao động trong lĩnh vực CNC cần đạt được, từ đó bảo đảm sự đồng bộ trong đào tạo và phát triển nhân lực.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các cơ sở giáo dục đại học cần tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng, vấn đề liên kết, hợp tác quốc tế cũng như thực hành, thực tế của sinh viên..., đây được coi là những yếu tố then chốt trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Bài và ảnh: QUỲNH HOA - THU TRANG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.