Phóng viên (PV): Bà đánh giá thế nào sau 4 ngày thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trực tuyến?

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy: Tính đến 15 giờ ngày 1-9, đã có 236.375 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT), chiếm tỷ lệ 29,72% số thí sinh ĐKXT. Trong đó, các địa phương có nhiều thí đăng ký xét tuyển và có số thí sinh điều chỉnh cao nhất là TP Hồ Chí Minh với 26.763 chiếm tỷ lệ 31,7%; Hà Nội với 30.339 chiếm tỷ lệ 34,73%.

Theo ghi nhận từ bộ phận trực hỗ trợ tuyển sinh sau 4 ngày hệ thống hoạt động ổn định. Trong năm nay, số lượng các cuộc gọi và email của thí sinh đề nghị hỗ trợ thí sinh điều chỉnh nguyện vọng giảm rất nhiều so với năm 2020. Một trong các nguyên nhân là do năm nay thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng 3 lần trong thời gian từ ngày 29-8 đến 17 giờ ngày 5-9.

Các điểm tiếp nhận mở phòng máy có kết nối internet hỗ trợ để thí sinh điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT; đặc biệt đối với các địa bàn phải giãn cách xã hội do dịch bệnh, các địa phương xây dựng phương án hỗ trợ thí sinh ở các khu vực khó khăn về công nghệ thông tin và khó khăn do dịch bệnh trong việc sửa sai, điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT.

 PGS, TS Nguyễn Thu Thủy.

PV: Những tình huống nào mà Bộ GD-ĐT đã ghi nhận sau những ngày thực hiện điều chỉnh xét tuyển?

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy: Đối với các thí sinh trúng tuyển bằng phương thức khác (không dùng kết quả thi THPT) đã xác nhận nhập học, nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi THPT, các trường đã xác định nhập học lên hệ thống cơ sở dữ liệu tuyển sinh chung. Do vậy, thí sinh không còn quyền tham gia xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi THPT. Tuy nhiên, có một số thí sinh hiện nay muốn rút xác nhận nhập học. Có thể thấy các trường đã thực hiện đúng quy chế và hướng dẫn; việc cho phép thí sinh rút lại Giấy chứng nhận kết quả thi THPT là quyền tự chủ của các trường dựa trên các điều kiện thực tế.

Ngoài ra, một số thí sinh tại các khu vực cách ly, giãn cách xã hội có mong muốn tăng thêm số lượng nguyện vọng ĐKXT và/hoặc điều chỉnh đối tượng ưu tiên. Về vấn đề này, Bộ GDĐT đã chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án hỗ trợ thí sinh, thí sinh có thể liên hệ với người thân ở ngoài vùng cách ly hoặc thầy cô giáo để có thông tin chính thức phương án của các điểm tiếp nhận.

PV: Bà có lưu ý gì với thí sinh trong quá trình điều chỉnh nguyện vọng?

PGS, TS Nguyễn Thu Thủy: Các thí sinh cần nghiên cứu kỹ tài liệu hướng dẫn điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT và các thông tin ĐKXT của các trường để có thể đăng ký tham gia xét tuyển vào các ngành phù hợp với sở thích, sở trường, năng lực bản thân và kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Các em nên sắp xếp các nguyện vọng hợp lý, nguyện vọng ngành trường nào thích nhất thì đặt lên trước (nguyện vọng 1 là nguyện vọng có mức ưu tiên và yêu thích cao nhất của cá nhân mình).

Thí sinh cũng cần thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đúng, đủ, làm hết quy trình, sau đó thoát khỏi hệ thống, rồi đăng nhập lại và in ra kiểm tra để đảm bảo các nguyện vọng điều chỉnh đã thực hiện được đúng như dự định.

Trước lần điều chỉnh thứ 3, các em cần kiểm tra kỹ nguyện vọng điều chỉnh và điều kiện ưu tiên để tránh sai sót đáng tiếc sau này.

Như chúng ta đều biết, chỉ cần thay đổi 0,01 điểm cũng có thể làm cho thí sinh đỗ hay trượt từ nguyện vọng này sang nguyện vọng khác. Vì vậy, nếu không có đủ thông tin, minh chứng chính xác để thay đổi khu vực ưu tiên, đối tượng ưu tiên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kết quả tuyển sinh, và việc giải quyết các hệ quả sau này là rất phức tạp và khó khăn; do đó, các điểm tiếp nhận cần linh hoạt giải quyết để không gây khó khăn cho thí sinh tại khu vực cách ly hay giãn cách xã hội, nhưng cũng phải đảm bảo tính chính xác của các thông tin cần thay đổi.

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

MINH NGUYỆT