* Tại điểm thi Trường THPT Nguyễn Trãi, quận Ba Đình, Hà Nội nhiều thí sinh cho biết nhờ theo dõi thời sự sát sao về tình hình dịch Covid-19 nên các em đã có rất nhiều dữ liệu để minh chứng cho bài làm của mình. Ví dụ như phần đọc hiểu ngữ liệu có tính ẩn dụ nhưng cũng gần gũi, không đánh đố học sinh. Hơn nữa lại có tính thời sự và hướng tới giá trị nhân văn như nghị lực, niềm tin, khát vọng sống... vượt lên hoàn cảnh, thử thách khắc nghiệt. Do vậy, các em đã liên hệ với thực tiễn trong bối cảnh dịch Covid-19 đã và đang diễn ra ở Việt Nam.
 |
Thí sinh phấn khởi rời điểm thi. |
Ở phần câu hỏi thì 3/4 câu là dạng nhận biết. Do đó, học sinh dễ dàng tìm được đáp án ngay trong văn bản. Đây là phần thi mà các em đánh giá sẽ giành điểm trọn vẹn do chỉ cần chép lại từ văn bản.
Riêng câu hỏi 4 đòi hỏi thí sinh thể hiện suy nghĩ riêng của mình, nhưng với gợi ý từ đề bài và là những vấn đề quen thuộc, đã được luyện tập nhiều nên đa phần các em thể hiện khá tốt.
 |
Thí sinh ra về trong sự cổ vũ, động viên của lực lượng tình nguyện. |
 |
Trao đổi bài làm sau khi thi. |
Các thí sinh không gặp khó khăn trong phần Nghị luận xã hội (2 điểm) bởi nó gần như lặp lại hoàn toàn câu 4 của bài Đọc-hiểu bên trên. Phần thi mà nhiều thí sinh lo lắng nhất là phần Nghị luận văn học cũng diễn ra khá nhẹ nhàng bởi tác phẩm Đất nước của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm là tác phẩm trọng tâm, được ôn rất kỹ. Hơn nữa, gắn với bối cảnh đất nước cần đồng tâm, nhất trí mới có thể đẩy lùi dịch Covid-19. Nổi bật nhất của bài Đất nước là tư tưởng đất nước của nhân dân. Câu hỏi rất rõ ràng, không phải là dạng câu hỏi nhận định nên học sinh không sợ bị lạc đề. Tuy nhiên, đoạn thơ cần phân tích khá dài, khiến thí sinh không phân chia kịp thời gian để hoàn thành bài thi trọn vẹn. (Tin, ảnh: KHÁNH HÀ)
* Tại điểm thi Trường THCS Việt Nam – Angiêri, quận Thanh Xuân, Hà Nội, nhiều thí sinh chia sẻ dù có dịch Covid-19 nhưng các em đều có sự chuẩn bị rất tốt cho kỳ thi.
Em Lê Hạnh Nga, học sinh Trường THPT Nhân Chính cho biết em cảm thấy đề thi năm nay khá hay, gần gũi với cuộc sống. Trong thời gian ôn thi giữa dịch Covid-19, em không cảm thấy không hề áp lực do có sự giúp đỡ, động viên từ gia đình.
 |
Những thí sinh đầu tiên rời điểm thi. |
Cô Hoài Thanh, giáo viên môn Ngữ văn từng có thời gian công tác tại trường THPT Chu Văn An và hiện đang giảng dạy tại một trung tâm luyện thi cho biết cảm thấy khá ấn tượng với đề thi Văn bắt nhịp cuộc sống. “Tôi nhận thấy đề thi có chiều sâu và có một mạch logic rõ ràng, xuyên suốt từ phần Đọc-hiểu cho đến Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học.
Đề thi cho chúng ta nhìn rõ vai trò và trách nhiệm của mỗi công dân đối với cuộc sống và với đất nước. Đối với học sinh ở lứa tuổi 18, tôi cho rằng những em có ý thức trách nhiệm tốt, quan tâm đến các vấn đề xã hội sẽ thích thú với dạng đề này bởi sức nóng mà đề mang lại”, cô Thanh cho biết.
 |
Cô Hoài Thanh trao đổi với thí sinh sau khi kết thúc môn thi. |
Lấy thực tiễn từ các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, em Hoàng Tiến Minh, học sinh trường THPT Nhân Chính cho biết phần Nghị luận văn học, em đã dẫn chứng về bác sĩ Trần Quang Tuấn, thuộc đội phản ứng nhanh tại điểm nóng Mê Linh trong dịch bệnh Covid-19. Đó là một người luôn hy sinh thầm lặng vì người khác, luôn cố gắng trân trọng những giá trị vật chất và tinh thần mà người khác đem lại.
Do điểm thi nằm giữa khu tập thể đông đúc, các thanh niên tình nguyện và lực lượng chức năng đã phải liên tục nhắc nhở người nhà học sinh tránh gây ồn ào, cản trở người đi đường. (Tin, ảnh: THU TRANG)
* Tại điểm thi Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, quận Cầu Giấy, Hà Nội: Thí sinh Nguyễn Nam Tùng (học sinh trường THPT Anhxtanh) chia sẻ với đề thi này, em làm được 65-70%. Câu hỏi mà em tâm đắc chính là câu Nghị luận xã hội với chủ đề “Sống hết mình cho hiện tại để vươn tới ngày mai”.
 |
Thí sinh rời phòng thi với tâm lý thoải mái. |
Liên hệ với thực tiễn hiện nay có rất nhiều vụ tự tử liên quan đến các bạn trẻ, họ có thể buồn về chuyện tình cảm, chuyện gia đình, dẫn tới nghĩ quẩn làm những điều dại dột, từ đó ta thấy được tầm quan trọng của việc được sống, để cố gắng vươn lên đến tương lai, Nam Tùng cho biết thêm.
Còn với thí sinh Đỗ Thu Trà, học sinh Trường THPT Cầu Giấy thì đề thi năm nay khá bình thường, vừa với sức của em. Phần đọc hiểu kiến thức dễ em làm được. Phần nghị luận xã hội về trân trọng cuộc sống mỗi ngày, em viết về việc trân trọng thời gian bên gia đình, bạn bè, tránh xa những cám dỗ tệ nạn. Em thấy đề văn rất hay em nghĩ mình sẽ được từ 6,5 đến 7 điểm.
 |
Thí sinh nhận được sự hỗ trợ của đội tình nguyện viên. |
Với tâm trạng phấn khởi, em Phạm Vũ Bằng, học sinh Trường THPT Yên Hòa nhận định đề thi năm nay khá là dễ. Phần một Đọc-hiểu, kiến thức cơ bản nên em làm được và không mất thời gian. Câu nghị luận xã hội, em đã liên hệ với dịch Covid-19, khi thế giới hằng ngày đều có người thiệt mạng, thì mình cần phải tự trang bị kiến thức cũng như vật dụng tự bảo vệ bản thân. (Tin, ảnh: TRỊNH NGHĨA)
* Tại TP Hồ Chí Minh, ghi nhận tại điểm thi trường THPT Marie Curie (quận 3), em Võ Song Anh, học sinh trường THPT Nguyễn Thị Diệu chia sẻ: “Em thấy đề văn năm nay không quá khó sát với thực tế và kiến thức cơ bản em đã được ôn tập. Trước đó, em nghĩ sẽ ra đề liên quan đến dịch Covid-19. Phần thi nghị luận xã hội về vấn đề trân trọng cuộc sống khá hay và ý nghĩa nhất là đối với người trẻ như học sinh chúng em. Em khá tự tin bài thi của mình đã hoàn thành bài đến 90%”.
 |
Thí sinh rời phòng thi. |
Bên cạnh đó, thí sinh Phạm Cao Hoài An, học sinh trường THPT Marie Curie chia sẻ thêm: “Đề văn dễ sẽ giúp tâm lý của em thoải mái hơn trong các buổi thi tiếp theo. Vì năm nay việc học tập của chúng em gián đoạn do dịch bệnh em dự đoán đề Toán cũng không quá khó mà sát với kiến thức cơ bản đã được thầy cô ôn tập.” (Tin, ảnh: LÊ CÚC)
*Tại Nghệ An, hơn 31.000 thí sinh cũng đã chính thức bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.
Năm nay, toàn tỉnh có 61 hội đồng thi với 1.406 phòng thi. Để chuẩn bị cho kỳ thi, Nghệ An đã huy động gần 5.000 người làm công tác coi thi. Trong đó, có 3.222 người làm công tác coi thi và hơn 800 lực lượng công an bảo vệ tại các điểm thi.
 |
Thí sinh kiểm tra thân nhiệt trước khi vào phòng thi. |
Trước khi kỳ thi được diễn ra, Sở Giáo dục - Đào tạo Nghệ An đã chỉ đạo các trường chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất và nhân sự và các điều kiện để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Tất cả các điểm thi đã tiến hành phun khử trùng, trang bị đầy đủ khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn và đo thân nhiệt cho toàn bộ thí sinh trước mỗi môn thi. Mỗi điểm thi cũng đã chuẩn bị các phòng thi dự phòng trong trường hợp phải thực hiện giãn.
Tại Nghệ An, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cử 212 cán bộ, giảng viên của Trường Đại học Hồng Đức và Viện Nông nghiệp Việt Nam đến làm công tác thanh tra và trực tiếp giám sát tại Hội đồng thi.
Theo ghi nhận của phóng viên tại các điểm thi Nghệ An, bước đầu, môn thi đầu tiên diễn ra nghiêm túc, an toàn, chưa ghi nhận sự cố; đa số thí sinh có ý thức phòng dịch cao, mang khẩu trang trong khi di chuyển và rửa tay sát khuẩn khi đến điểm thi. (Tin, ảnh: HOA LÊ)
* Nhận định về đề thi Ngữ văn, cô Trịnh Thu Tuyết, Giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho rằng: Đề thi chính thức môn Ngữ văn Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo lần 2 do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố. Cụ thể phần Đọc-hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi nhỏ. Trong đó, 3 câu đầu dừng ở mức độ nhận biết. Chỉ duy nhất câu 4 là ở mức độ vận dụng cao yêu cầu học sinh phải vận dụng những hiểu biết về cuộc sống xã hội cùng những trải nghiệm cá nhân để thể hiện quan điểm độc lập của mình trước một nhận định rút ra từ ngữ liệu đã cho. Do đó, phần đọc hiểu sẽ không làm khó và không làm mất thời gian của thí sinh.
 |
Các thí sinh bước vào thi môn Ngữ văn. |
Phần 2, Làm văn (7,0 điểm), câu Nghị luận xã hội vẫn yêu cầu học sinh nghị luận về 1 khía cạnh của vấn đề rút ra từ phần Đọc-hiểu đó là “sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày” – “sự cần thiết” được hiểu là ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của ý thức “trân trọng cuộc sống mỗi ngày”. Có thể thấy, câu viết đoạn văn nghị luận xã hội đảm bảo đúng mẫu, cấu trúc, dung lượng mà học sinh ôn luyện, phù hợp với thời lượng và quỹ điểm; khía cạnh của vấn đề nghị luận cũng hướng tới một trong những điều quan trọng của cuộc sống mỗi cá nhân. Tuy nhiên, đây là một vấn đề ít nhiều còn trừu tượng với những học trò 18 tuổi – chưa đủ trải nghiệm để có thể thấu hiểu ý nghĩa của mỗi giây phút được sống trong cuộc đời, vì thế rất có thể sẽ có những bài làm chung chung, lí thuyết và thiếu sự thiết thực thấm thía nhất với mỗi học trò.
Ở câu 2 (5 điểm): Bài nghị luận văn học đề cập đến một thông điệp tư tưởng quan trọng bao trùm không chỉ trong đoạn trích Đất nước mà còn là tư tưởng chi phối toàn bộ giai đoạn văn học 1945-1975. Đây cũng là nội dung chính mà học sinh không thể bỏ qua khi tiếp cận những giá trị nghệ thuật và nội dung của đoạn thơ. Tuy nhiên, ngữ liệu nghị luận theo yêu cầu của đề bài là 27 câu trong phần 3 của đoạn trích “Đất nước”, đó là một ngữ liệu quá dài, quá bề bộn trong quỹ thời gian cho phép của toàn bộ đề bài là 120 phút.
Nhìn chung, đề thi Ngữ văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 đảm bảo đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp. Đề bài không khó nhưng quá dài, đặc biệt là câu nghị luận văn học – câu hỏi chiếm quỹ điểm cao nhất trong bài. Điều đó, có thể sẽ khiến học sinh lúng túng để hoàn thành tốt bài thi (Tin, ảnh: THU HÀ)