* Các trường đại học, cao đẳng có thể sử dụng kết quả kỳ thi trong tuyển sinh
* Bộ Công an, Bộ Y tế phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT
Năm học với nhiều thay đổi lớn
Năm học 2019-2020 là một năm học đặc biệt với nhiều thay đổi lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Nếu như mọi năm, thời gian kết thúc năm học ở các địa phương trước ngày 31-5 thì năm nay kéo dài đến giữa tháng 7. Để ứng phó với dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019-2020 để bảo đảm chương trình giáo dục phổ thông được hoàn thành theo kế hoạch năm học đã điều chỉnh.
Năm học này cũng đánh dấu sự thay đổi lớn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học. Hình thức dạy học qua internet và trên truyền hình được các nhà trường, các địa phương nỗ lực triển khai thực hiện trong suốt thời gian học sinh phải nghỉ học kéo dài do dịch Covid-19. Trên nền tảng công nghệ, nhiều trường, nhiều địa phương đã tổ chức các lớp học trực tuyến, phần mềm dạy học trực tuyến với chất lượng và hiệu quả cao. Nổi bật có Thủ đô Hà Nội-địa phương có số lượng thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT lớn nhất, nhì cả nước. Lần đầu tiên, trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, học sinh lớp 12 trên địa bàn TP Hà Nội được tham gia 3 đợt kiểm tra khảo sát chất lượng bằng hình thức trực tuyến trên Hệ thống học và thi trực tuyến Hanoi Study.
 |
Thí sinh được đo thân nhiệt trước khi vào làm thủ tục thi tại điểm thi Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội). |
Năm học 2019-2020 kết thúc muộn dẫn tới sự thay đổi của kỳ thi THPT. Thay vì được tổ chức vào cuối tháng 6 như mọi năm thì kỳ thi năm nay được lùi tới ngày 9 và 10-8. Thời điểm này, cả Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi) đã có hiệu lực thi hành. Do đó, Bộ GD&ĐT không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm mà thay bằng kỳ thi tốt nghiệp THPT. Mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT là tổ chức an toàn, nghiêm túc, lấy kết quả để xét công nhận tốt nghiệp THPT và đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông, từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học trong các nhà trường. Kết quả của kỳ thi cũng có thể được các trường đại học, cao đẳng sử dụng trong tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc giúp các thí sinh thêm an tâm
Để bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi được tổ chức trong điều kiện dịch bệnh, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, công an các địa phương huy động gần 15.000 cán bộ, chiến sĩ tham gia. Bộ Y tế cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT, các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai công tác y tế, phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 cho kỳ thi...
Tâm lý lo lắng của các thí sinh, phụ huynh khi phải thi tốt nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, sự tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã tạo sự ổn định tâm lý cho thí sinh và phụ huynh. Chị Nguyễn Thị Thảo, phụ huynh em Trần Thị Hoài, học sinh lớp 12 Trường THPT Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tôi rất ủng hộ phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm nay của Bộ GD&ĐT. Con gái tôi đã được nhà trường trang bị vững kiến thức cũng như các biện pháp tự PCD bệnh trong thời gian diễn ra kỳ thi, nên tâm lý gia đình tôi và con gái rất vững vàng”.
 |
Cán bộ coi thi hướng dẫn, phổ biến quy chế thi, làm thủ tục thi cho các thí sinh tại điểm thi Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội). |
Không chỉ có phụ huynh và học sinh, sự nỗ lực vào cuộc tổ chức kỳ thi của các bộ, ban, ngành còn tạo động lực cho chính những người trong cuộc. Tham gia kỳ thi với vai trò thanh tra tại điểm thi Trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội), cô giáo Lê Thị Hồng Hạnh, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Tôi thực hiện nhiệm vụ trong kỳ thi với tinh thần trách nhiệm cao nhất và tin rằng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, năm học 2019-2020 sẽ được gói gọn một cách trọn vẹn bằng một kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc dù trong khó khăn của dịch bệnh diễn biến phức tạp”.
Tất cả vì một kỳ thi nhân văn
Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 diễn ra thành công thì vai trò của các địa phương là vô cùng quan trọng, bởi năm nay kỳ thi được giao cho các địa phương chịu trách nhiệm toàn diện. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 nên công tác bảo đảm sức khỏe thí sinh được các địa phương đặt lên hàng đầu.
Theo ghi nhận, trong buổi làm thủ tục thi của các thí sinh, chiều 8-8, các điểm thi đều chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm các yêu cầu về PCD bệnh, như: Nơi rửa tay, nước sạch, xà phòng, dung dịch sát khuẩn, thiết bị đo thân nhiệt... Các phòng thi được bố trí thông thoáng, bảo đảm giãn cách cho thí sinh. Bên cạnh lực lượng an ninh, thanh tra, các điểm thi đều đã bố trí nhân viên đo thân nhiệt cho cán bộ làm công tác thi và thí sinh để kịp thời xử lý nếu phát hiện có người bị sốt.
Điều đặc biệt của kỳ thi năm nay là các thí sinh bắt buộc phải đeo khẩu trang. Để phòng, chống gian lận thi cử bằng cách sử dụng công nghệ cao cài trong khẩu trang, bà Cao Thanh Nga, Phó trưởng Điểm thi tại Trường THPT Phan Huy Chú cho biết: “Trong buổi làm thủ tục thi, các thí sinh được cán bộ coi thi phổ biến, khuyến khích sử dụng khẩu trang y tế để dễ kiểm soát trong thời gian diễn ra kỳ thi. Trong trường hợp thí sinh có nhu cầu, nhà trường sẽ phát khẩu trang y tế cho các em. Trước khi vào phòng thi, các em được yêu cầu bỏ khẩu trang, kiểm tra kỹ càng. Song song với đó, để bảo đảm an toàn sức khỏe cho 576 thí sinh dự thi tại đây, điểm thi Trường THPT Phan Huy Chú đã chủ động chuẩn bị sẵn sàng mọi tình huống theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế”.
Có thể nói, việc quyết định phương án tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay là nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị với mục đích bảo đảm quyền lợi của các thí sinh. Đối với các thí sinh thi đợt hai, kết quả thi vẫn được dùng để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, trong đó có cả các trường tốp trên. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT đánh giá: “Mặc dù việc tổ chức kỳ thi làm hai đợt sẽ vất vả hơn cho các thầy, cô giáo, vất vả hơn cho Bộ GD&ĐT và các địa phương, nhưng vì quyền lợi của thí sinh, chúng ta vẫn quyết tâm thực hiện. Giải pháp này không chỉ đúng luật, có tính thực tiễn mà còn hết sức nhân văn”.
Theo lịch Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, ngày 9-8, thí sinh dự thi môn Ngữ văn vào buổi sáng, môn Toán vào buổi chiều; ngày 10-8, thí sinh dự thi bài thi tổ hợp các môn Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội vào buổi sáng, môn Ngoại ngữ vào buổi chiều. |
Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀI