Đây là cách giáo dục giữ gìn vệ sinh nhẹ nhàng nhưng chắc hẳn sẽ có nhiều em nhớ và làm theo. Đặc biệt, trong thời điểm hiện tại, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc giữ gìn vệ sinh cá nhân càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bài học về giữ vệ sinh đôi bàn tay được nhiều người nhắc lại để giáo dục con trẻ.
Trong quá trình sinh trưởng của trẻ, ngoài yếu tố dinh dưỡng, vận động thì việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ có ý nghĩa rất quan trọng. Cơ thể trẻ còn non nớt, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, sức chống đỡ với bệnh tật còn hạn chế. Thêm vào đó, bản thân trẻ vốn hiếu động, thích vui chơi tập thể ngoài trời, hay nghịch đất, cát, tiếp xúc với nhiều vật dụng chưa được vệ sinh sạch sẽ. Các yếu tố đó khiến trẻ dễ mắc các bệnh do nhiễm khuẩn hoặc bị ảnh hưởng bởi thời tiết, môi trường xung quanh. Vì vậy, giáo dục trẻ ý thức giữ gìn vệ sinh chính là biện pháp để bảo vệ cơ thể, nâng cao sức đề kháng, tạo hệ miễn dịch trước những nguy cơ dịch bệnh xâm nhập.
Giáo dục vệ sinh cá nhân cho trẻ trước hết là giữ gìn thân thể sạch sẽ. Trong gia đình, phụ huynh phải là người hướng dẫn trẻ cách rửa mặt, đánh răng, súc miệng, rửa chân tay, chải đầu, mặc quần áo gọn gàng, biết thực hành ăn đồ chín, uống nước đun sôi để nguội, có thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh hay tay bị bẩn… Lúc vui chơi, trẻ biết phân biệt đồ dùng an toàn, vật dụng nguy hiểm đối với cơ thể, dùng xong phải sắp xếp đồ chơi gọn gàng, ngăn nắp, thu dọn rác đúng nơi quy định. Khi đến trường, trẻ em cần được hướng dẫn vệ sinh lớp học, lau bàn ghế, đồ dùng sinh hoạt… Từ những việc làm nhỏ đó dần hình thành thói quen ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân cũng như môi trường sống xung quanh cho trẻ.
Để giáo dục trẻ hiệu quả thì sự gương mẫu của người lớn đóng vai trò quan trọng. Bản thân trẻ hay bắt chước những hành động của người lớn. Do vậy, phụ huynh, giáo viên phải làm mẫu, hướng dẫn cách thức tiến hành cũng như tác dụng của từng việc làm cụ thể. Nếu bé gây mất vệ sinh chung, người lớn phải giải thích việc đó là không nên, để trẻ hiểu và tự giác thực hiện. Muốn hình thành thói quen tốt đòi hỏi người dạy phải kiên trì, sử dụng linh hoạt các biện pháp như thông qua trò chơi, đồ chơi, giáo dục bằng các câu chuyện, bài hát, bài thơ… Bên cạnh đó, người lớn cần tạo điều kiện thuận lợi để trẻ thực hành vệ sinh cá nhân như có đồ dùng sinh hoạt riêng, để ở vị trí dễ lấy, trẻ tự cất giữ.
Thói quen giữ gìn vệ sinh không những có lợi cho sức khỏe mà còn có ý nghĩa đối với việc bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn cho trẻ. Người Hy Lạp có câu ngạn ngữ: “Một tâm hồn trong sáng được nuôi dưỡng từ một cơ thể sạch sẽ”. Trẻ em có ý thức giữ vệ sinh cá nhân sẽ hình thành nếp sống văn minh, thân thiện, biết bảo vệ môi trường xung quanh. Một em bé khỏe mạnh, ăn mặc gọn gàng sẽ tự tin hơn, chắc chắn sẽ nhận được sự yêu mến của mọi người.
Thời gian qua, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, công tác tuyên truyền giáo dục ý thức giữ gìn vệ sinh càng được tăng cường, coi trọng. Nhờ đó, các em nhỏ đã có thêm nhiều bài học bổ ích để bảo vệ sức khỏe bản thân. Việc giáo dục nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cần được tiến hành thường xuyên để trẻ thực sự khỏe mạnh ở mọi lúc, mọi nơi.
VŨ DUY