Đó là một tập thư của liệt sĩ viết cho gia đình, một cuốn sách viết về hành trình đi tìm mộ cha của người con gái. Cô Hoa tâm sự: “Cha tôi là liệt sĩ Hoàng Văn Đáp, hy sinh tại chiến trường Miền Đông Nam Bộ. Trong suốt thời gian ở mặt trận, cha tôi đã viết cho gia đình rất nhiều thư. Đây là những kỷ vật vô cùng thiêng liêng đối với gia đình chúng tôi. Trong đó, có bức thư cuối cùng cha viết ngày 28-6-1969, trước ngày ông hy sinh 29 ngày, là căn cứ để tôi tìm được mộ chí của cha. Cả hành trình 15 năm đi tìm mộ, đã được tôi ghi lại trong cuốn sách Tìm cha (NXB Quân đội nhân dân, năm 2019). Đây cũng là tâm nguyện của tôi mong muốn chia sẻ kinh nghiệm tìm mộ liệt sĩ của mình tới đông đảo mọi người”.
 |
Cô giáo Hoàng Thị Hoa và cuốn sách mới xuất bản. |
Đây là một cuốn sách hay. Hay bởi những chi tiết chân thật, dung dị. Bên cạnh những phương pháp, gợi ý tìm tài liệu, tìm nhân vật, bạn đọc còn tìm được sự đồng cảm là tình cha con đằm thắm, những ký ức tuổi thơ với cha, nỗi nhớ thương khôn nguôi của mỗi người thân trong gia đình dành cho liệt sĩ. Đọc từng chi tiết trong cuốn sách này, nhiều người sẽ không khỏi thán phục người viết. Dù chỉ là một giáo viên tiểu học nhưng chị đã tự trang bị cho mình nhiều kiến thức về địa hình, bản đồ, ký hiệu, phiên hiệu quân sự… Hành trình 15 năm đi tìm mộ cha là liệt sĩ hy sinh tại chiến trường miền Đông Nam Bộ của cô giáo Hoàng Thị Hoa cùng các anh chị em trong gia đình tuy khó khăn vất vả nhưng kết thúc có hậu.
Tôi hỏi: “Động lực nào khiến cô cầm bút để viết ra tất cả về hành trình gian lao, vất vả nhưng cũng rất thiêng liêng và ý nghĩa này?”. Cô giáo Hoàng Thị Hoa nói: “Bởi tôi tin rằng, trên đất nước mình còn nhiều người khát khao tìm được di hài của người thân như gia đình chúng tôi. Thêm nữa, tôi cảm nhận hành trình này đã cho tôi nhiều cảm xúc, từ ngạc nhiên, chia sẻ cho đến kính ngưỡng cảm phục thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu cho độc lập, tự do của Tổ quốc. Nói cách khác, tôi đã tìm thấy được nhiều giá trị nhân văn ngay từ hành trình đi tìm cha. Đó là tình yêu nước cao cả, là tình đồng đội, là tình người”. Trong những lá thư của liệt sĩ Hoàng Văn Đáp viết về cho gia đình, mỗi trang viết đều toát lên tình cảm nhớ thương gia đình nhưng rồi chính ông cũng “kết luận” tất cả điều đó phải được để sau tình yêu nước. Trong một bức thư viết của liệt sĩ có đoạn thơ ông viết cho con gái thế này: Việc làm của con, con giúp bố đấy rồi/ Bố ra đi theo tiếng gọi của Người/ Để đánh Mỹ tức là con đánh Mỹ/ Con của bố cần xem đây suy nghĩ/ Phải làm gì để xứng đáng người con/ Mai sau thống nhất nước non/ Trái tim con sẽ thắm hồng không phai…
Người con gái được nhắc trong bài thơ sau này đã lần theo đường hành quân của cha tìm đến những địa danh từng được ông nhắc đến. Theo dấu thư, chị hình dung được những hiểm nguy gian truân của người chiến sĩ. Tình cha con dường như đã trở thành một sợi dây vô hình đã dẫn dắt chị lại chính con đường năm xưa. Mười năm năm hành trình tìm cha không chỉ gặp lại đồng đội, những trận đánh, những trải nghiệm của cha mà tìm thấy một di vật vô cùng quý giá, đó là tờ chứng nhận “Dũng sĩ quyết thắng cấp III” của liệt sĩ Hoàng Văn Đáp do một cựu chiến binh Mỹ còn lưu giữ sau khi ông hy sinh. Đây quả là cuốn sách hay về một hành trình kỳ lạ.
Bài và ảnh: ĐÔNG ANH