Những năm gần đây, cụm từ “kỹ năng sống” được sử dụng nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có nhiều quan niệm khác nhau, nhưng tựu trung đều gặp nhau ở một điểm: Kỹ năng sống là kỹ năng cần có cho hành vi lành mạnh cho phép con người đối mặt với những thách thức của cuộc sống hằng ngày. Tìm hiểu về giáo dục kỹ năng sống tại một số trường phổ thông, chúng tôi nhận thấy đội ngũ giáo viên đang rất nỗ lực và có nhiều cách làm sáng tạo trong việc truyền tải kỹ năng sống tới học sinh.

Dự buổi sinh hoạt cuối tuần với cô và trò Lớp 12A1, Trường THPT Nguyễn Trãi, quận Ba Đình, TP Hà Nội, chúng tôi nhận thấy, sau khi tổng kết các hoạt động trong tuần, cô Nguyễn Thị Bình-giáo viên chủ nhiệm đã truyền đạt đến học sinh một số kiến thức về giới tính, cách ứng xử trong các tình huống gặp ngoài xã hội. Cô Bình chia sẻ: “Thông qua buổi sinh hoạt, tôi nắm được tình hình, những thay đổi của từng học sinh trong lớp, qua đó có giải pháp cụ thể để giúp các em vượt qua những khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống”.

leftcenterrightdel
 Giờ giáo dục kỹ năng sống ở Trường Mầm non Vietgenius cơ sở Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Ảnh: HUYỀN TRANG.

Còn tại Trường THPT Mường Chà, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, do đặc thù địa lý nên các em học sinh được chỉ dạy thêm các kỹ năng thoát hiểm khi gặp sự cố động đất, lũ quét thông qua các bộ môn khoa học. Từ những kiến thức được học, các em học sinh có thể bình tĩnh ứng phó khi gặp sự cố.

Bên cạnh những tín hiệu tích cực nêu trên, tại một số trường, việc đưa giáo dục kỹ năng sống vào giảng dạy vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, khiến nhiều học sinh thiếu kỹ năng sống, biểu hiện qua hành vi ứng xử không phù hợp, thiếu linh hoạt, sáng tạo khi gặp các tình huống trong cuộc sống, ví như: Ứng xử thiếu văn hóa trong giao tiếp nơi công cộng; thiếu lễ độ với thầy giáo, cô giáo, cha mẹ và người lớn tuổi; chưa có ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh công cộng... 

Em Lương Ánh My, học sinh Trường THPT Tân Bình, quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh tâm sự: “Ở trường, chúng em được giáo dục kỹ năng sống qua bộ môn chính là Giáo dục công dân. Tuy nhiên, các kiến thức vẫn nặng về lý thuyết, ít có ví dụ thực tế, các kinh nghiệm mà chúng em tích lũy được chủ yếu là do quá trình giao tiếp ở bên ngoài, do mình tự tiếp thu”.

Về vấn đề này, cô Nguyễn Thị Phúc Hạnh, giáo viên Trường THCS Trường Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình cho rằng, do phải chạy theo thời gian, phải chuyển tải nhiều nội dung nên giáo viên buộc phải tập trung cung cấp kiến thức mà ít quan tâm rèn luyện kỹ năng cho học sinh, nhất là kỹ năng ứng xử với xã hội, ứng phó và hòa nhập với cuộc sống. Do ngành giáo dục chưa có một bộ chuẩn về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nên các trường vẫn đang “tự bơi”, mỗi nơi dạy một kiểu. Chính vì thế, việc giáo dục kỹ năng này hoặc chỉ dừng lại ở các tiết học Giáo dục công dân, hoặc bị bỏ lửng hoàn toàn.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức một số hoạt động hướng tới việc rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh như: Tổ chức Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) với cách đánh giá kỹ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các vấn đề thực tiễn trong cuộc sống; tổ chức cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các vấn đề thực tiễn... Đây là phương pháp dạy học khoa học được tiến hành dưới sự giúp đỡ của giáo viên, chính học sinh tìm ra câu trả lời cho các vấn đề được đặt ra trong cuộc sống thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra để từ đó hình thành kiến thức cho mình.

Anh Lù Văn Ánh, Bí thư Đoàn thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên cho rằng, để việc giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường phổ thông phát huy được hiệu quả thì cần phải tập trung bồi dưỡng, trang bị một số vấn đề cơ bản về nội dung giáo dục kỹ năng sống cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Ví dụ, thông qua các hình thức: Phát động các đợt thi đua, tổ chức sân chơi, hoạt động thể thao, văn hóa-văn nghệ… để nâng cao nhận thức cho mọi người về ý nghĩa của giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Cùng với đó phải tập trung nâng cao năng lực quản lý của giáo viên chủ nhiệm trong giáo dục đạo đức cho học sinh dân tộc thiểu số; tăng cường vai trò của Đoàn Thanh niên trong việc tuyên truyền các nghị quyết của Đoàn, tổ chức thực hiện nền nếp, kỷ cương, các phong trào thi đua trong học tập, sinh hoạt...

VĂN THI - NGUYỄN HẰNG