Điều này cũng đồng nghĩa một số môn học của sách giáo khoa phổ thông, đặc biệt môn Giáo dục địa phương, một thành tố quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng phải đổi mới mạnh mẽ về nội dung và phương pháp giảng dạy.

Khác với các môn học thống nhất toàn quốc, Giáo dục địa phương do từng sở giáo dục và đào tạo chủ biên, nội dung được xây dựng dựa trên đặc điểm riêng của từng tỉnh. Môn học này kết hợp nhiều phân môn như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân, Âm nhạc, Mỹ thuật... nhằm giúp học sinh hiểu và gắn bó với quê hương. Khi bản đồ hành chính thay đổi, bản đồ tri thức cũng cần được kiến tạo lại. Thách thức đặt ra là làm sao để môn học không chỉ “cộng gộp” thông tin từ các vùng trước đây mà phải trở thành một tổng thể tích hợp, giàu bản sắc và có tầm nhìn phát triển dài hạn.

Ảnh minh họa: TTXVN 

Trong bối cảnh mới, việc thiết kế lại nội dung môn học cần dựa trên các nguyên tắc kế thừa và phát triển, liên kết và kết nối, ứng dụng thực tiễn. Những giá trị cốt lõi, di sản tiêu biểu của từng vùng cần được giữ lại và nâng tầm, không bị xóa mờ bởi đường biên hành chính. Song song với đó, cần xây dựng một mạch kiến thức liên thông giữa các vùng, giúp học sinh nhận diện mối liên hệ giữa con người-lịch sử-văn hóa-kinh tế của toàn địa phương mới, thay vì chỉ tiếp cận rời rạc theo từng khu vực. Giáo dục địa phương sau sáp nhập cần hướng tới việc khơi dậy mạch nối xuyên suốt, những giá trị chung và tương đồng, đồng thời khéo léo tôn vinh các sắc thái riêng biệt như một phần của di sản địa phương thống nhất. Cốt lõi của môn học này vẫn phải giữ vững vai trò bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và ý thức gìn giữ bản sắc văn hóa địa phương. Bản sắc ấy không tự mất đi theo ranh giới hành chính mà cần được nâng tầm, hòa quyện và phát huy trong một không gian văn hóa-lịch sử rộng lớn hơn.

Đây chính là cơ hội để môn Giáo dục địa phương chuyển mình thành môn học tích hợp sâu sắc hơn, giúp học sinh mở rộng hiểu biết, rèn luyện tư duy công dân địa phương. Thầy cô không chỉ đơn thuần giảng dạy mà phải là người hướng dẫn để học sinh khám phá, phân tích, so sánh và ứng dụng kiến thức vào thực tiễn: Từ bảo vệ môi trường, giữ gìn di sản, phát triển du lịch đến tham gia chuyển đổi số nông thôn hay xây dựng các sản phẩm truyền thông quảng bá quê hương.

Trong tầm nhìn dài hạn, môn Giáo dục địa phương có thể trở thành công cụ giáo dục bản sắc trong không gian hành chính mới, là nền tảng để xây dựng tinh thần đoàn kết, phát huy thế mạnh tổng hợp và thậm chí truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mới của mình. Khi giáo dục đi trước một bước, cuộc cách mạng tinh gọn sẽ không chỉ dừng ở việc nén gọn bộ máy mà còn mở ra không gian phát triển về tư duy, văn hóa và nội lực dân tộc.

KHÁNH HÀ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.