Là Phó hiệu trưởng nhà trường, mới nhận nhiệm vụ công tác tại Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (Hà Nội), cô giáo Đinh Thị Hồng Châm khá bận rộn với công tác quản lý nhưng vì tình yêu nghề, yêu học sinh, cô vẫn luôn đau đáu với việc giảng dạy và truyền cảm hứng để các em học sinh có những giờ học Ngữ văn bổ ích, đạt nhiều thành tích cao trong học tập.

Năm học 2023-2024, cô giáo Đinh Thị Hồng Châm đảm nhiệm chức vụ Phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn tại Trường THCS Thái Thịnh. Cô đã cùng tổ Văn xây dựng Kế hoạch cụ thể, sát sao tới từng lớp, từng đối tượng học sinh. Vì thế điểm thi vào lớp 10 - THPT của học sinh xếp thứ Nhất trong quận Đống Đa.

Cô giáo Đinh Thị Hồng Châm cùng các em học sinh cũ.

Để có được thành công ấy là cả chặng đường gian nan. Để truyền cảm hứng giúp học sinh yêu thích môn Ngữ văn, cô đã tận tâm dạy cho các em thật kỹ kiến thức nền, dạy từ công thức chung đến trau chuốt từ ngữ, câu văn... Trong tiết học Ngữ văn, cô vận dụng và tích hợp cả kiến thức môn học Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, Mỹ thuật... Chẳng hạn, để học sinh viết một bài ca ngợi vị anh hùng dân tộc Quang Trung-Nguyễn Huệ, cô Châm đã giúp học sinh tái hiện bằng cách vẽ lại hình ảnh vị vua Quang Trung lẫm liệt trên chiến trận. Nhờ thế học sinh phải nhớ từng chi tiết nhỏ và hình dung làm thế nào để mô tả hay nhất về vua Quang Trung. Nhờ cách dạy tích hợp mọi lúc, mọi nơi ấy mà học sinh của cô Châm thường thuộc bài ngay trên lớp, nhiều em được khuyến khích và phát triển toàn diện, luôn tư duy tốt và sáng tạo không ngừng. Ngoài ra, cô lại dùng sự kiên nhẫn để động viên, khen ngợi kịp thời với từng tiến bộ nhỏ nên học sinh rất hứng thú với những giờ cô lên lớp.

Cô giáo Đinh Thị Hồng Châm, Phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ (quận Đống Đa, Hà Nội).

Tuổi 14-15 trái tính, trở nết, không phải cứ nói là nghe, cứ mắng là được, có những bạn thể hiện mình cá tính, rất khó bảo. Năm học 2022-2023, cô Châm được phân công chủ nhiệm lớp 9A0 Trường THCS Thái Thịnh. Ngay đầu năm, cô thấy có bạn được bố mẹ nuông chiều nên học hành chểnh mảng. Thậm chí có bạn còn về kể không tốt về thầy cô với bố mẹ. Phụ huynh chưa phân rõ đầu đuôi, nghe con vội lên gặp Ban giám hiệu để phản ánh. Ấy vậy mà khi nói chuyện với cô Châm, được cô phân tích rõ ràng, chỉ ra lợi hại của vấn đề, bố mẹ và con đều thay đổi. Được cô hướng dẫn, chỉ bảo tận tình, chính học sinh này từ không thích môn Ngữ văn chuyển dần sang rất yêu thích. Quãng đường hơn 20 năm làm nghề, cô Châm đã gặp nhiều học sinh như thế.

Không ít học sinh ra trường vẫn nhớ về cô với tình cảm kính trọng. Trong những món quà nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay, cô nhận được nhiều lời chúc rất cảm động. Một học sinh tên Khánh viết: “Nhân ngày 20-11, con chúc cô có tất cả trừ “vất vả”... Cô như là người mẹ thứ hai của con. Con mua thỏi son dưỡng này tặng cô, cô để trong túi nhé, để khi nào cô dùng cô sẽ nhớ đến đứa con trai này của cô. Con yêu cô nhiều lắm, mong cô nhớ mãi cậu học trò tên Khánh này cô nhé. Khánh yêu, nhớ, thương cô Châm lắm!”.  

Không chỉ để lại tình cảm chan chứa với học sinh và phụ huynh, cô giáo Đinh Thị Hồng Châm cũng được nhiều đồng nghiệp yêu quý. Khi cô chuyển công tác từ Trường THCS Thái Thịnh sang Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, gần bàn làm việc của cô là hàng loạt trái tim và những lời nhắn nhủ đầy yêu thương mà đồng nghiệp nhắn gửi. Những tình cảm chân thành đó chính là tài sản vô giá của một người giáo viên tận tâm, tận hiến với nghề, như một nhà thơ đã viết "Có một nghề không trồng cây vào đất/mà mang lại cho đời đầy trái ngọt hoa tươi”!

MINH HUYỀN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.