Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho rằng, nhà giáo cần lấy đó làm chỗ dựa, sự động viên tinh thần để phấn đấu, quyết tâm đổi mới, hòa nhịp cùng công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện của ngành giáo dục.
Phóng viên (PV): Xin Bộ trưởng chia sẻ về vai trò của nhà giáo trong sự nghiệp đổi mới giáo dục hiện nay. Làm sao để giữ gìn, phát huy truyền thống tôn sư trọng đạo trong xã hội đương đại?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đất nước đang đặt ra những mục tiêu phát triển trở thành một nước công nghiệp có thu nhập khá, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Đó là mục tiêu rất lớn của quốc gia và để đạt được mục tiêu đó, phát triển con người và phát triển nguồn nhân lực được xem là một trong 3 giải pháp đột phá chiến lược. Trong bối cảnh ấy, ngành giáo dục đứng trước những trọng trách, yêu cầu, thách thức và cơ hội rất lớn. Để thực hiện thành công đột phá chiến lược về phát triển con người và phát triển nguồn nhân lực, GD-ĐT đóng vai trò cốt yếu.
 |
Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng ngành giáo dục nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. |
Đất nước ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, vốn đặt nhà giáo ở vị trí rất tôn nghiêm, cao cả. Nghề giáo luôn nhận được sự tôn trọng của toàn xã hội. Trong các điều kiện bình thường, giáo dục con người, cung cấp nhân lực phát triển xã hội đã là nhiệm vụ vinh quang và trong những thời khắc khó khăn, thách thức lớn cần vượt lên của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT như hiện nay, nhiệm vụ ấy càng trở nên vinh quang hơn.
Trong chiến lược phát triển GD-ĐT tới năm 2030, tầm nhìn năm 2045 và trong nhiều quan điểm chỉ đạo mang tính chiến lược khác, ngành giáo dục coi phát triển lực lượng nhà giáo là yếu tố nền tảng, then chốt, quyết định sự thành công của đổi mới và phát triển giáo dục, phát triển việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Đội ngũ nhà giáo cần đủ về số lượng, có trình độ, năng lực, kỹ năng tốt, đủ để giáo dục một lớp người Việt Nam mới, vừa phát triển toàn diện về đạo đức, nhân sinh, tinh thần, thể chất, vừa là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Đội ngũ nhà giáo cần được chăm lo, được tôn vinh đúng như vị trí vốn có và cần có.
Để có được thế hệ người Việt Nam mới với những phẩm chất, năng lực mới trong giai đoạn hội nhập quốc tế và thích ứng với thời đại 4.0, GD-ĐT cần phải ra sức đổi mới. Ngành giáo dục đang trong giai đoạn chuyển đổi theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng là đổi mới căn bản, toàn diện. Trong đó, hai nhiệm vụ lớn là thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 và đổi mới quản trị đại học, thực hiện tự chủ đối với hệ thống giáo dục đại học. Từ hệ thống phổ thông đến hệ thống đại học đều đặt ra các nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng. Trong các giải pháp cần triển khai, thực hiện, giải pháp có vai trò trụ cột, mang tính chất đột phá là phát triển đội ngũ các nhà giáo, dựa vào lực lượng nhà giáo, phát huy trách nhiệm của lực lượng nhà giáo, lấy việc đổi mới phương pháp, tư duy của đội ngũ nhà giáo là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Chưa bao giờ lực lượng nhà giáo được đặt trước một trách nhiệm, sứ mệnh vinh quang như hiện nay và cùng với đó, thách thức cũng lớn lao hơn bao giờ hết.
 |
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn. |
PV: Nuôi dưỡng nhân tài ngành giáo dục và thu hút các tài năng cống hiến cho công tác hoặc ngành giáo dục đang được thực hiện ra sao, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nuôi dưỡng nhân tài ngành giáo dục và thu hút các tài năng cống hiến cho ngành giáo dục là một vấn đề quan trọng, lớn, cần có tư duy chiến lược bài bản và lâu dài. Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, một trong những vấn đề cần tập trung giải quyết của ngành là thiếu giáo viên.
Để có được nguồn tuyển giáo viên tốt, chúng tôi cũng đã tính đến nhiều giải pháp như: Nâng cao năng lực các trường đại học sư phạm, chỉ tiêu và đặc biệt là ngành đào tạo các môn học mới để thực hiện Chương trình GDPT 2018. Trong hai năm qua, số học sinh vào học các trường đại học sư phạm cũng đã tăng lên đáng kể.
Trong quá trình triển khai Nghị định số 116/2020/NĐ-CP về đặt hàng các trường đại học sư phạm đào tạo giáo viên vẫn còn vướng mắc. Có thực trạng là nhiều địa phương không dám đặt hàng, với nhiều lý do khác nhau. Chúng tôi đang tiến hành rà soát các nội dung liên quan đến Nghị định 116 để các địa phương có thể triển khai đặt hàng đào tạo giáo viên.
PV: Bộ GD-ĐT có những giải pháp nào để giảm áp lực cho nghề giáo, cũng như hạn chế tình trạng giáo viên bỏ việc?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Để ngăn, giảm số lượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, bỏ việc, Bộ GD-ĐT tiến hành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, thể chế, chính sách liên quan đến nhà giáo. Trong đó vấn đề tăng lương, nâng phụ cấp ưu đãi, nhất là cho giáo viên mầm non, tiểu học phải được thực hiện một cách cấp bách để giải quyết được đời sống cho đội ngũ giáo viên, với tinh thần "Có thực mới vực được đạo". Đó là việc chúng tôi đang đề xuất, kiến nghị. Trong đó, nếu tốt nhất có thể tăng phụ cấp ưu đãi cho giáo viên mầm non tương tự như phụ cấp ưu đãi của y tế cấp cơ sở, nếu không thì cũng tối thiểu tăng thêm 35% lên 70% ngang với mức ưu đãi cũ của y tế cơ sở.
Để giảm áp lực cho nghề giáo, ngành giáo dục tiếp tục quan tâm cải thiện môi trường làm việc, tăng cường quản trị trường học, điều lệ nhà trường và nâng cao văn hóa học đường. Môi trường làm việc thuận lợi cũng là một yếu tố quan trọng để thầy, cô giáo phát huy tốt năng lực, sở trường và thực hiện tốt trách nhiệm của nhà giáo.
Một điểm quan trọng nữa là cải thiện môi trường làm việc và hỗ trợ về mặt chuyên môn cho giáo viên. Đặc biệt, về phía xã hội, phụ huynh, học sinh có sự chia sẻ, đồng hành với giáo viên. Cả hai phía này nhà giáo cố gắng, nhưng phía phụ huynh, xã hội cũng cần sự chia sẻ và sự chia sẻ này cũng là tốt cho học sinh.
PV: Nhiệm vụ chăm lo cho nhà giáo có ý nghĩa như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nghề giáo được coi là nghề cao quý, nghề vinh quang, điều đó có từ truyền thống. Sở dĩ dân tộc ta tôn vinh nhà giáo, bởi truyền thống quý trọng đạo nghĩa, trọng học, đề cao tri thức. Chăm lo cho nhà giáo là chăm lo cho giáo dục, để phát triển giáo dục, phát triển giáo dục để phát triển con người và phát triển đất nước.
Sự thành bại của công cuộc đổi mới giáo dục mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đang triển khai có can hệ tới việc thành bại của công cuộc đổi mới quốc gia, mà yếu tố quyết định thành công hay không, đội ngũ nhà giáo có vai trò quyết định. Vì vậy, sự quan tâm một cách cụ thể đội ngũ nhà giáo không chỉ là chính sách xã hội, thể hiện một truyền thống văn hóa, mà thực chất nó là thể hiện một quan điểm phát triển và sự tính toán mang tính thực tế nhất cho phát triển đất nước.
PV: Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Bộ trưởng có điều gì muốn gửi tới đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong cả nước?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Ngành GD-ĐT đang đứng trước những yêu cầu, nhiệm vụ lớn, trọng trách nặng nề, lại thực hiện giữa bối cảnh toàn xã hội trong giai đoạn chuyển đổi. Do đó, nhà giáo cần phải bám chắc vào chỗ dựa quan trọng của nghề nghiệp, đó là sứ mệnh kiến tạo các giá trị cao đẹp cho con người. Cần lấy đó làm chỗ dựa, làm sự động viên tinh thần để phấn đấu, quyết tâm đổi mới, hòa nhịp cùng công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện của ngành giáo dục.
Nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi gửi tới các thầy giáo, cô giáo lời chúc mừng tốt đẹp. Nghề nghiệp của chúng ta dù đầy thách thức, gian lao nhưng chúng ta có chỗ dựa, có niềm tin về những điều tốt đẹp đang làm nên khó khăn nào cũng sẽ vượt qua. Mong các thầy cô sẽ có một dịp kỷ niệm thật vui và ý nghĩa.
PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
THU HÀ (thực hiện)