Robot sẽ đảm nhiệm 52% công việc của con người
Với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), việc tăng cường sử dụng robot trong các ngành sản xuất, dịch vụ là một xu hướng tất yếu. Ngày nay, robot không chỉ thay thế con người trong những công việc tay chân đơn giản, mang tính lặp lại cao như trong lĩnh vực lắp ráp, dệt may, mà chúng còn có thể thay thế con người thực hiện các công việc như kế toán, quản lý khách hàng, thư ký, các ngành công nghiệp và bưu chính trong tương lai. “Robot cũng không chỉ xuất hiện trên các công trường xây dựng, thay thế con người trong những công việc khó khăn, nguy hiểm mà còn có thể làm các công việc như môi giới, hướng dẫn khách xem nhà bất kể ngày đêm”, chuyên gia người Mỹ Daniel Lavine nhấn mạnh.
Theo báo cáo có tựa đề "Tương lai việc làm 2018" được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 17-9 vừa qua, đến năm 2025, có tới 52% công việc của con người sẽ do máy móc tự động đảm trách, tăng gần gấp đôi so với mức 29% hiện nay. “Cách mạng công nghiệp 4.0 đã đặt ra nhiều thách thức đối với vấn đề việc làm, nhất là trong lĩnh vực chế tạo, vận tải và thậm chí là nhiều công việc có tính lặp đi lặp lại trong lĩnh vực dịch vụ”, Chủ tịch WEF Borge Brende chia sẻ quan điểm bên lề Hội nghị WEF ASEAN diễn ra tại Hà Nội vừa qua.
 |
Robot Erica do kỹ sư Hiroshi Ishiguro chế tạo, đảm nhận công việc phát thanh viên truyền hình ở Nhật Bản từ tháng 4-2018. Ảnh: Getty. |
Trong khi đó, nghiên cứu do hãng Cisco thực hiện tại 6 quốc gia gồm: Việt Nam, Singapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines đã chỉ ra rằng, trong 10 năm tới, sẽ có 28 triệu lao động (tương đương 10,2% tổng lực lượng lao động) ở 6 quốc gia này bị ảnh hưởng công việc do vị trí thay thế bởi AI. Trong số này, Singapore sẽ là quốc gia có tỷ lệ lực lượng lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất (21% tổng lực lượng lao động), tiếp đến là Việt Nam (13,8%).
Các quốc gia cần đào tạo lại lực lượng lao động
Việc robot ngày càng đảm nhiệm nhiều công việc khiến nhiều người thấy lo sợ về việc mình sẽ bị robot cướp mất việc làm. Tuy nhiên, WEF trấn an rằng, dù robot có được trang bị trí tuệ nhân tạo thì cũng chưa thể thay thế được con người một cách nhanh chóng. Robot chưa thể thay thế con người để làm các công việc như tiếp thị, bán hàng, dịch vụ hải quan…
Ở một khía cạnh khác, robot, AI hay internet vạn vật sẽ tạo ra những công ty mới, nhiều ngành sản xuất mới và dĩ nhiên tạo ra những việc làm mới. Theo WEF, sự phát triển của công nghệ tự động hóa và AI có thể khiến 75 triệu việc làm mất đi. Tuy nhiên, 133 triệu việc làm mới sẽ xuất hiện, vì giới doanh nghiệp phân chia lại lao động giữa người và máy móc. Cuối cùng, 58 triệu việc làm mới cho con người sẽ ra đời vào năm 2022.
Dù vậy, việc làm dành cho con người có sự “thay đổi đáng kể” về vị trí, chất lượng và dạng thức. WEF cho rằng, việc làm toàn thời gian, làm vĩnh viễn có thể giảm. Một số công ty có thể chọn sử dụng lao động tạm thời, người làm nghề tự do hoặc những người làm theo hợp đồng…
Để bắt kịp với "sự thay đổi chấn động" về cách thức làm việc với máy móc và các lập trình máy tính, theo WEF, các quốc gia phải đào tạo lại lực lượng lao động. Con người sẽ buộc phải tự nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của mình, đặc biệt trong những ngành nghề đòi hỏi tính sáng tạo, tư duy sắc bén và có tính thuyết phục. Chính phủ các nước cũng được khuyến cáo cần chuẩn bị các mạng lưới an toàn cho người lao động và cộng đồng trước "sự thay đổi quan trọng" về chất lượng và tính ổn định của các công việc mới. “Dự báo, từ nay đến năm 2020, các ngành như hàng không, lữ hành... sẽ phải đào tạo lại đội ngũ nhân viên và những người làm việc trong các ngành này phải xác định rằng việc học hỏi và thích nghi với xu hướng phát triển chung là sự nghiệp cả đời”, báo cáo của WEF nhấn mạnh.
BÌNH NGUYÊN