Hiện đã có 135 trong số gần 300 trường đại học, học viện trên cả nước sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia và đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để xét tuyển.
Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với PGS, TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để giúp thí sinh có lựa chọn tốt hơn khi đăng ký nguyện vọng.
Phóng viên (PV): Thưa ông, ông nhận định thế nào về xu hướng xét tuyển đại học của các trường năm nay?
PGS, TS Nguyễn Phong Điền: Kết quả học tập trung học phổ thông (THPT) và kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn là căn cứ quan trọng trong xét tuyển vào các trường đại học nói chung. Năm 2021, các trường dành khoảng 58% chỉ tiêu cho hình thức xét kết quả thi THPT. Năm 2022, vẫn có nhiều trường sử dụng 50-60% chỉ tiêu cho hình thức này.
 |
PGS, TS Nguyễn Phong Điền. |
Tuy nhiên, để tăng cơ hội xét tuyển vào các ngành/chương trình đào tạo có tính cạnh tranh cao, thí sinh cần quan tâm đến các kỳ thi khác như thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy...
PV: Như vậy, có thể hiểu bài thi đánh giá tư duy chỉ phù hợp với học sinh khá, giỏi?
PGS, TS Nguyễn Phong Điền: Đúng là kỳ thi này hướng tới việc chọn lựa các học sinh khá, giỏi và siêng năng. Đây cũng là yếu tố quan trọng bảo đảm các em có đủ năng lực học tập, sự kiên trì để đáp ứng yêu cầu của chương trình đào tạo đại học, sẵn sàng vượt qua thách thức để thành công. Kết quả phân tích phổ điểm bài kiểm tra tư duy năm 2020 và kết quả kỳ thi thử vào tháng 1-2022 cho thấy mức độ phân loại và khả năng đánh giá học sinh là rất phù hợp cho việc xét tuyển đại học của nhiều trường.
PV: Hình thức thi khá mới này liệu có làm “nở rộ” những “lò luyện” thi?
PGS, TS Nguyễn Phong Điền: Đúng như tên gọi, đề thi của kỳ thi đánh giá tư duy được thiết kế để đánh giá năng lực tư duy của thí sinh, chú trọng vận dụng kiến thức từ cấp độ trung bình đến cao, phổ kiến thức khá rộng đối với Toán và Khoa học tự nhiên trong chương trình THPT, có đánh giá khả năng trình bày vấn đề (phần tự luận) và thông hiểu ngôn ngữ khoa học kỹ thuật (môn đọc-hiểu). Bên cạnh đó, thí sinh có năng lực sử dụng tiếng Anh tốt sẽ có lợi thế khi dự thi môn ngoại ngữ.
Cách đánh giá như vậy sẽ giảm thiểu các hình thức “ôn luyện cấp tốc”, “học tủ”, “mẹo làm bài”..., bởi chỉ những học sinh chăm chỉ, tập trung trong một thời gian dài học tập ở bậc THPT (dù ở đô thị hay khu vực nông thôn khó khăn) mới có cơ hội trúng tuyển cao và hình thức “tự luyện thi” là hiệu quả nhất.
Các em cũng cần quan tâm đến các kỳ thi thử được Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức theo hình thức trực tuyến để có định hướng ôn tập đúng đắn và tự đánh giá được trình độ của mình để cải thiện. Kỳ thi thử kế tiếp dự kiến sẽ được tổ chức vào cuối tháng 3-2022 và hoàn toàn miễn phí cho người tham gia.
 |
Thí sinh đến dự kỳ thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. |
PV: Phương thức kiểm tra tư duy sẽ có lợi thế gì, kết quả có giá trị bao lâu, thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Phong Điền: Việc tham dự thi kỳ thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia hoặc kỳ thi đánh giá tư duy của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ tạo thêm cơ hội trúng tuyển cho các em do có nhiều trường sử dụng kết quả các kỳ thi này để xét tuyển đại học.
Trường Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi này xét tuyển cho hơn 60% tổng chỉ tiêu của trường năm 2022, trong đó ưu tiên một số chương trình đào tạo có tính cạnh tranh cao theo phương thức này. Tuy nhiên, trường vẫn dành khoảng 20% tổng chỉ tiêu để xét tuyển vào một số ngành/chương trình dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT. Việc này nhằm tạo điều kiện cho các em thí sinh dù không thể tham dự kỳ thi đánh giá tư duy thì vẫn có thể đăng ký xét tuyển vào một số ngành học nhất định theo Đề án tuyển sinh của trường.
Các em cũng cần lưu ý là chỉ tiêu tuyển sinh của một số trường “top”, ngành “hot” dành cho phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT 2022 đã được điều chỉnh giảm và sẽ tạo ra sự cạnh tranh cao hơn.
Dự kiến thời hạn có hiệu lực của kết quả thi đánh giá tư duy là một năm. Cụ thể, kết quả của kỳ thi đánh giá tư duy năm 2022 sẽ chỉ áp dụng để xét tuyển đại học cho năm học 2022-2023. Từ năm 2024 trở đi, kỳ thi này sẽ được tổ chức một số lần trong năm để thí sinh chủ động hơn.
PV: Vừa qua Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức kỳ thi thử đánh giá tư duy, kết quả ra sao, thưa ông?
PGS, TS Nguyễn Phong Điền: Trường tổ chức đợt thi thử đầu tiên nhằm thử nghiệm hệ thống quản lý thi, giúp thí sinh làm quen với việc đăng ký dự thi trực tuyến và tìm hiểu nội dung thi. Bên cạnh đó, việc phân tích, đánh giá kết quả thi thử cũng là một cơ sở quan trọng để cải thiện chất lượng đề thi. Nhà trường đã và đang phối hợp với một đơn vị có chuyên môn về đánh giá, đo lường trong giáo dục để tiếp tục chuẩn hóa ngân hàng đề thi, phục vụ cho năm 2022 và các năm kế tiếp. Theo kết quả đánh giá sơ bộ thì kết quả của kỳ thi thử vừa qua (tháng 1-2022) có mức độ phù hợp khá tốt, một số chỉ tiêu phân loại rất tốt.
PV: Ông nghĩ sao về ý kiến trong tương lai gần, Việt Nam cần xây dựng một cuộc thi chuẩn hóa để xét tuyển đại học nhưng do một đơn vị độc lập tổ chức để các trường sử dụng chung, như mô hình quốc tế SAT hoặc ACT?
PGS, TS Nguyễn Phong Điền: Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đề cập đến việc một số cơ sở giáo dục đại học lớn, có uy tín, có đầy đủ điều kiện thì nên tổ chức hoặc xây dựng các kỳ thi riêng, dạng thức phù hợp để làm căn cứ xét tuyển đầu vào, có thể sử dụng cho nhiều trường đại học, học viện. Đó là tiền đề để hình thành nên các tổ chức độc lập, có chức năng khảo thí theo mô hình tương tự như SAT, ACT, phù hợp với đặc điểm của Việt Nam.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
THU HÀ (thực hiện)