Trí tuệ siêu việt của một cỗ máy đã chứng minh tiến bộ mà con người đạt được về trí tuệ nhân tạo (AI). Trí tuệ nhân tạo đang giúp định hình thế giới theo cách tốt đẹp hơn, nhưng cũng có những lo ngại một ngày nào đó máy móc sẽ kiểm soát con người, nhất là khi những dạng thức không kiểm soát của AI được đưa vào lĩnh vực an ninh-quốc phòng, tình báo...

Robot ngày càng được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực quân sự. Ảnh: Trustmarque

Robot có thể hoàn thành môn học ở cấp độ đại học tại một trường đại học ở Mỹ đó là Bina48, một sản phẩm của chuyên gia robot David Hanson. Bina48 như một “sinh viên” thực thụ khi có thể thực hiện các bài thảo luận với 31 sinh viên cùng lớp qua Skype; có mặt để thuyết trình và còn tham gia một cuộc thảo luận với các sinh viên trong một môn khác về đạo đức ở Học viện quân sự Mỹ tại West Point. Tờ Express (Anh) nhận định: "Rất đáng chú ý khi lần đầu tiên trong lịch sử có một robot cao cấp về mặt xã hội tham gia một khóa học đại học".

Có thể thấy rõ, AI cùng với vạn vật kết nối internet (IoT) và dữ liệu lớn (Big data) là những yếu tố cốt lõi của kỹ thuật số trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó, AI có thể được định nghĩa như một ngành của khoa học máy tính liên quan đến việc tự động hóa các hành vi thông minh. Ở thời điểm hiện tại, AI đang được ứng dụng vào các máy tính hoặc siêu máy tính dùng để xử lý một công việc cụ thể như điều khiển các thiết bị điện tử trong một ngôi nhà, nhận diện hình ảnh và giọng nói của con người, thao tác và di chuyển vật thể, xử lý dữ liệu để tự học hỏi, lập kế hoạch và giải quyết vấn đề.

Tại châu Á, Trung Quốc vượt lên dẫn đầu về trí thông minh nhân tạo của khu vực và thế giới. Trung Quốc đã đưa ra một lộ trình ba bước để xây dựng và triển khai công nghệ trí thông minh nhân tạo trong các lĩnh vực, từ nông nghiệp, y học, quy hoạch thành phố cho đến quân đội, qua đó có thể đạt được mục đích trở thành nước dẫn đầu thế giới về trí thông minh nhân tạo vào năm 2030.

Nếu Trung Quốc muốn sử dụng AI thiên về lĩnh vực kinh tế và quản trị thì Mỹ và nhiều nước đồng minh của Mỹ lại lên kế hoạch sử dụng AI để trợ giúp các chỉ huy quân đội đưa ra các quyết định định hợp lý và kịp thời. Trước mắt, trong lĩnh vực tình báo, các cơ quan tình báo của Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản đang sử dụng trí tuệ nhân tạo trong phân loại dữ liệu tình báo.

Theo một quan chức tình báo Mỹ, hiện các cơ quan tình báo đang "ngập" trong quá nhiều dữ liệu thô. Mỹ đang đặt hy vọng vào AI để phân loại hàng tỷ terabyte dữ liệu thông tin số và phân tích các sự kiện trên thế giới, chuyển hàng tỷ terabyte dữ liệu số hằng ngày sang thông tin tình báo đáng tin cậy để sử dụng trong hoạch định chính sách và hành động trên chiến trường. Những thông tin này phục vụ trực tiếp giới hoạch định chính sách, Nhà Trắng và các tướng lĩnh cấp cao.Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng từng khẳng định, tình báo nhân tạo là chìa khóa cho quyền lực tương lai. Không chỉ hai quốc gia hàng đầu về công nghệ quân sự quan tâm đến AI, hiện Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đang nỗ lực để đến năm 2025 có thể thiết lập một hệ thống AI nhằm trợ giúp tiến trình đưa ra quyết định tại các sở chỉ huy tác chiến và dự định sẽ cung cấp cho các đơn vị của quân đội Hàn Quốc sau khi tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm trên thực địa. Các chỉ huy quân sự sẽ có thể sử dụng hệ thống được máy móc hỗ trợ này như một dạng “cố vấn” khi nó được thiết lập và vận hành.

Trí thông minh nhân tạo có khả năng đẩy nhanh những tiến triển của các mục tiêu phát triển toàn cầu, song cũng đặt ra một loạt thách thức phức tạp, trong đó có những câu hỏi về đạo đức, các vấn đề về nhân quyền và rủi ro an ninh.

NGUYÊN VINH