Hình thức bồi dưỡng phổ biến hiện nay là cử giáo viên cốt cán đi tập huấn, rồi về trường tập huấn lại cho tất cả giáo viên, cùng với việc mỗi giáo viên tự bồi dưỡng theo đăng ký, kế hoạch từng năm học của mình. Đến gần cuối năm học, từng tổ chuyên môn, nhà trường tự tổ chức kiểm tra các chuyên đề, mô-đun  hoặc theo đề của phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT. Vì là anh em đồng nghiệp của nhau cả, nên kết quả điểm bồi dưỡng thường xuyên của tất cả cán bộ, giáo viên đều cao "ngất ngưởng", toàn điểm 8 trở lên!

Thực tế cho thấy, công tác bồi dưỡng thường xuyên lâu nay ở hầu hết các sở GD&ĐT từ bậc tiểu học đến bậc THPT chưa được quan tâm đúng mức và việc thực hiện còn mang nặng tính hình thức, đối phó, làm cho có. Do đó, hiệu quả của các đợt tập huấn, bồi dưỡng chẳng thấm là bao đối với số đông trong đội ngũ nhà giáo. Họ vẫn dạy theo phương pháp cũ, học trò nắm, vận dụng kiến thức đến đâu không cần quan tâm đến. Tại Hội thảo giáo dục 2017 về chất lượng GDPT do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức mới đây, ông Nguyễn Đình Anh, nguyên Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An cho biết, có khoảng 70% giáo viên đứng lớp thiếu năng khiếu sư phạm. Đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới chất lượng giáo dục chưa tốt. Trong khi đó, chất lượng tuyển sinh đầu vào các trường sư phạm thường thấp; cách đào tạo lại chậm được đổi mới; mức độ tâm huyết, năng lực giáo dục, dạy học ở nhiều giáo viên còn hạn chế; cộng với cách đánh giá, bồi dưỡng thường xuyên chủ yếu chạy đua theo hình thức, thành tích là những nguyên nhân chính khiến cho chất lượng của một bộ phận giáo viên đang có vấn đề, khó đáp ứng được công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện của nền giáo dục nước nhà.

Muốn củng cố, nâng cao năng lực giáo dục, dạy học của đội ngũ thầy giáo, cô giáo đáp ứng nội dung, chương trình GDPT trong thời gian tới, trước hết cần sàng lọc, phân loại đối tượng giáo viên để tìm cách bồi dưỡng, tập huấn phù hợp. Giáo viên khá, giỏi thì thời gian bồi dưỡng ít; giáo viên trung bình, năng lực chuyên môn còn hạn chế thì bồi dưỡng, tập huấn kỹ lưỡng hơn. Đối với những giáo viên bộ môn sẽ quản lý và giảng dạy các môn học, hoạt động mới ở các bậc học thì các phòng, sở GD&ĐT nên tập huấn, bồi dưỡng tập trung, với thời gian tương đối dài và cần chọn các giáo viên cốt cán am hiểu sâu hoặc mời các chuyên gia đầu ngành về hướng dẫn, truyền đạt. Cũng có thể liên kết, hợp đồng, "đặt hàng" với các trường sư phạm tổ chức đào tạo, bồi dưỡng lại theo đợt trong năm học và thời gian hè. Vừa bồi dưỡng, tập huấn vừa đúc kết, rút kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch cho những năm tiếp theo, vì cùng một lúc không thể nào bồi dưỡng cho gần 900 nghìn giáo viên phổ thông được.

Thời gian chuẩn bị để thực hiện chương trình GDPT mới không còn nhiều. Vì vậy, ngay từ bây giờ, ngành giáo dục cần triển khai, làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên theo nội dung, cách thức, phương pháp giáo dục mới. Nếu làm chậm trễ công việc này, hay thực hiện không thực chất thì tính khả thi, hiệu quả của chương trình GDPT mới khó đạt hiệu quả như mong muốn.

ĐỖ TẤN NGỌC