Câu chuyện cử nhân ra trường thất nghiệp là câu chuyện không mới trong những năm gần đây, thế nhưng ngay cả những sinh viên cử tuyển được địa phương cử đi học, không phải thi tuyển đầu vào, được hỗ trợ học phí và khi ra trường sẽ được bố trí việc làm, cũng đang rơi vào tình cảnh này.
Lù A Hử chỉ biết dựa vào thửa ruộng của gia đình để kiếm tiền trả nợ.
Thấp thỏm chờ việc
Lù A Hử, bản Dề Thàng, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải tốt nghiệp cử nhân ngành Cầu đường bộ, Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội từ năm 2015 đến nay, sau 2 năm vẫn chưa có việc làm. Cầm tấm bằng khá trên tay Lù A Hử buồn rầu cho biết: 7 năm trước, em được địa phương cử đi học theo diện cử tuyển. Thông tin đó không chỉ khiến A Hử vui mừng và tự hào, mà còn là hy vọng cứu cánh cho ước mơ thoát nghèo của cả gia đình.
Ngày ra trường, A Hủ nghĩ chắc chắn rằng với tấm bằng khá trở về, huyện sẽ bố trí việc làm ngay. Thế nhưng, sau khi tốt nghiệp hơn một năm vẫn không thấy động tĩnh gì. A Hử cũng chủ động làm hồ sơ nộp xin việc ở rất nhiều cơ quan, đơn vị trong huyện, nhưng đến nay cũng chưa thấy ai gọi đi làm. Không biết làm gì, A Hử đành ở nhà nuôi lợn, đi làm thuê kiếm kế sinh nhai.
“Nói thật là em buồn lắm. Lúc vào đại học nghĩ là cố gắng học về phục vụ quê hương nhưng về không bố trí được việc làm, lại trở thành gánh nặng của gia đình. Nếu không tìm được việc làm em sẽ theo bước chân của bố mẹ, làm ruộng để sinh sống thôi”, Lù A Hử thở dài chia sẻ.
Cũng giống như A Hử, thấp thỏm chờ đợi việc là tâm trạng mà em Chang A Sàng ở xã Dế Su Phình, huyện Mù Cang Chải đã trải qua suốt 2 năm nay, sau khi tốt nghiệp chương trình học cử tuyển ngành Quản lý đất đai, Trường Đại học Thái Nguyên.
A Sàng chia sẻ, ra trường đã nhiều năm nhưng vẫn không được bố trí việc làm, gia đình lại nghèo nên kinh tế gặp nhiều khó khăn, thậm chí mong muốn sinh con của vợ chồng A Sàng cũng phải gác lại. A Sàng đã nộp hồ sơ đi nơi khác để xin việc, nhưng ngành Sàng học thì không xin được việc ở các cơ quan ngoài nhà nước. Sàng cũng đã lên huyện hỏi về việc làm, nhưng chỉ nhận được câu trả lời “chờ đợi” vì bây giờ đang tinh giản biên chế. Để nuôi gia đình, Sàng chủ yếu làm ruộng nương, bởi gia đình không có thu nhập nào khác.
Ông Vàng A Dờ, Bí thư đảng ủy xã Dế Su Phình cho biết: "Ở địa phương nhiều em đi học về không tìm được việc làm, chỉ biết chờ thôi. Những năm trước cử nhân hệ cử tuyển còn được bố trí việc làm, nhưng mấy năm nay không có việc đó nữa. Tôi nghĩ nếu huyện, tỉnh bố trí cho họ đi học rồi thì cần có việc làm cho họ, vì các em toàn là hộ nghèo. Học xong rồi ra trường lại không có việc làm, như thế rất thiệt thòi cho các em".
Cung đã vượt cầu
Có thể thấy chính sách cử tuyển đã thể hiện sự ưu tiên của Đảng và Nhà nước trong đào tạo nguồn nhân lực tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, song nhiều địa phương cho rằng đến nay chính sách này đã bộc lộ rất nhiều bất cập, không còn phù hợp.
Ông Vũ Tiến Đức, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải cho biết: Đến nay (năm 2017), trong số 64 cháu được cử đi học cử tuyển, trên địa bàn huyện còn 11 trường hợp chưa bố trí được việc làm và 23 cháu vẫn đang đi học.
“Những trường hợp các cháu tự thi, chưa tìm được việc làm, chúng tôi phải đưa các cháu vào học nghề: Chăn nuôi, trồng ngô, sửa xe máy… để các cháu có việc làm. Cái khó nhất là không có biên chế”, ông Tiến Đức cho hay.
Nói về những bất cập trong công tác cử tuyển, ông Tiến Đức cho rằng: Thời gian từ khi địa phương đề xuất vị trí có nhu cầu đến khi nhận được người là quá dài (6 năm), nên địa phương buộc phải tuyển hợp đồng những vị trí đó. Khi các cháu ra trường, địa phương không thể cho thôi việc những vị trí đang làm tốt công việc đó. Một bất cập khác đó là sự chênh lệch giữa cung và cầu, chẳng hạn như ngành nông nghiệp, vị trí thì có hạn mà có quá nhiều chỉ tiêu về.
“Tôi cho rằng giai đoạn này cử tuyển không còn phù hợp nữa. Huyện chúng tôi có hơn 270 học sinh tự thi đỗ đại học, cao đẳng mà còn chẳng phân bổ hết”, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải chia sẻ.
Những năm qua, chính sách cử tuyển đã góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển chung, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các xã, huyện miền núi. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, chính sách này ngày càng bộc lộ một số bất cập, gây lãng phí tiền của Nhà nước. Đã đến lúc cần phải có một chính sách hợp lý hơn để hàng loạt sinh viên cử tuyển ra trường không có việc làm như A Hử, A Sàng không trở thành gánh nặng cho cả người học, gia đình và địa phương.
Bài, ảnh: THU HÀ