Thiếu “chuẩn”, khó đi tiếp
Hiện tại, ở Hà Nội, mới chỉ có duy nhất Trường THPT Chu Văn An triển khai đào tạo song bằng tiếng Anh Cambridge. Theo nhận xét của một số học sinh theo học chương trình này của Trường THPT Chu Văn An, khó khăn đối với học sinh Việt Nam khi tham gia chương trình quốc tế là phương pháp học cũng như các hình thức đánh giá, kiểm tra khác biệt.
Bên cạnh việc bắt buộc phải tăng số tiết trong tuần lên 20 tiết, để học thêm 5 môn bằng tiếng Anh chương trình Cambridge, học sinh phải tăng cường tự học, tự nghiên cứu khi chương trình yêu cầu cao về kỹ năng thực hành, ứng dụng thực tiễn.
Bà Lê Mai Anh, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An chia sẻ, mô hình song bằng của trường có 2 lớp với tổng số 49 học sinh. Thực tế triển khai cho thấy, học sinh cần có thời gian làm quen với yêu cầu của chương trình. Trong quá trình triển khai, có 2 học sinh không đáp ứng được yêu cầu nên nhà trường phải bồi dưỡng thêm 3 tháng để bắt nhịp được tiến độ chung.
 |
Học sinh Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam thuyết trình dự án khoa học. (Ảnh minh họa) |
Sau một năm triển khai chương trình song bằng, kết quả bước đầu cho thấy có 47/49 học sinh đạt học sinh giỏi, 2 học sinh tiên tiến theo chương trình Việt Nam, còn những môn song bằng (5 môn: Toán, Lý, Hóa, tiếng Anh và Kinh tế), số lượng học sinh đạt điểm A và A* chưa nhiều, chủ yếu đạt điểm B, C và D (hạng tối đa cho một bài thi IGCSE là A* và hạng tối thiểu là G).
“Vì chưa hề có kinh nghiệm cần thiết nhưng với sự nỗ lực của các thành viên tham gia thì điểm số như vậy là điều dễ hiểu. Quan trọng là chúng tôi xác định xem mình đang ở đâu vào thời điểm này để có kế hoạch tiếp theo. Nếu không có gì thay đổi thì tháng 5-2019, các trò sẽ thi lấy chứng chỉ AS và tháng 10 sẽ lấy chứng chỉ A level”, bà Lê Mai Anh trao đổi.
Khó khăn nhất của thầy và trò nhà trường khi tham gia chương trình song bằng là hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng theo quy định của Cambridge. Đó là phòng học chức năng, phòng thực hành, phòng thí nghiệm. Chương trình Cambridge với các môn khoa học đòi hỏi học đi đôi với hành, với những yêu cầu về thực nghiệm và trải nghiệm; trong đó 40% số điểm thi là thực hành và các bài báo cáo về những thực hành đó, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An chia sẻ.
Bà Lê Mai Anh cho biết thêm: “Hiện trường đã có phòng Vật lý theo chuẩn quốc tế, còn phòng Hóa học đến giờ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, không biết có kịp đến 15-7 hay 30-7 này để học sinh có phòng thực hành thí nghiệm hay không”.
Đề cập đến những vướng mắc khác mà việc triển khai chương trình gặp phải, bà Lê Mai Anh cho biết trường còn thiếu một phòng đặc thù của chương trình Cambridge, đó là phòng quản lý đề thi, lưu giữ đề thi. “Tất cả những điều đó chỉ có thể có được khi trường được xây nhà mới theo chuẩn quốc tế. Thiếu nó thì dù thầy trò và nhà trường có nỗ lực bao nhiêu cũng không thể vượt qua giai đoạn 3 của Cambridge, cũng như cơ sở để trở thành thành viên của Cambridge, từ đó có tài khoản đăng nhập vào hệ thống Cambridge khai thác tài nguyên cho việc dạy và học của thầy trò nhà trường. Đấy là điều tôi trăn trở nhất”, bà Lê Mai Anh chia sẻ.
Là 1 trong 7 trường tham gia thí điểm Chương trình đào tạo song bằng tại các trường THCS công lập Hà Nội, bà Lê Kim Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy khẳng định, việc đưa chương trình quốc tế vào trường học trong nước là con đường ngắn nhất để tiếp cận những tinh hoa của giáo dục thế giới, tạo cơ hội cho học sinh hội nhập quốc tế.
Tuy nhiên, cả giáo viên và học sinh sẽ phải đối mặt với khó khăn bởi vừa phải hoàn thành chương trình Việt Nam, vừa phải học chương trình Cambridge, vì thế chương trình học sẽ rất nặng. Để học được đòi hỏi học sinh phải có sức khỏe tốt và sự tập trung cao. Mặt khác, học sinh không được học chương trình của Cambridge từ cấp tiểu học nên chưa có nền tảng kiến thức để học tiếp chương trình này ở cấp THCS, bà Lê Kim Anh cho biết.
Được biết, học sinh THCS theo học chương trình song bằng của Hà Nội năm học 2018-2019, sẽ phải học 16 tiết/tuần, tức là bắt buộc học 2 buổi/ngày. Ngoài chương trình hiện hành theo quy định chung của Bộ GD-ĐT, học sinh sẽ phải học thêm tiếng Anh tăng cường, Tin học, Toán, Khoa học bằng tiếng Anh. Đây là điều khiến nhiều phụ huynh học sinh phải cân nhắc kỹ bởi phải phù hợp với năng lực của con mình, đặc biệt là trình độ tiếng Anh phải phù hợp thì mới có thể theo học cùng một lúc 2 chương trình.
Vừa làm vừa chuẩn bị
Với kinh nghiệm 1 năm triển khai chương trình song bằng ở cấp THPT, hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An cho biết, năm học mới sắp bắt đầu, đặc biệt với chương trình song bằng, nhà trường đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết nhất như sách giáo khoa, đội ngũ giáo viên bổ sung thêm cho đội ngũ hiện có để dạy chương trình A level, phòng học và tâm thế để đón trò mới.
Tuy nhiên, hiện tại trường chưa có đủ nguồn giáo viên đáp ứng đủ yêu cầu. Để thực hiện theo đúng đề án, đối với các môn tiếng Anh và Kinh tế, trường sẽ hợp đồng với giáo viên đến từ nước Anh; còn các môn Toán, Lý, Hóa, sẽ mời các thầy là giảng viên trường đại học như ĐH Bách Khoa Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Quốc gia Hà Nội. Đó là những giáo viên có chuyên môn sâu, được đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở Mỹ. Còn về phương pháp giảng dạy theo đúng chương trình Cambridge, mùa hè này trường và các thầy đã đăng ký khóa đào tạo trực tuyến.
Có thể thấy, dù đã có kinh nghiệm một năm đào tạo theo chương trình song bằng và đã có những bước chuẩn bị khá kỹ, nhưng Trường THPT Chu Văn An vẫn gặp nhiều khó khăn trong triển khai chương trình và tiếp tục vừa làm vừa chuẩn bị. Do đó, việc nhiều trường THCS lần đầu triển khai vẫn đang ở bước tìm hiểu, tham quan học hỏi mô hình... cũng là điều dễ hiểu.
Bên cạnh những thuận lợi về môi trường học tập tốt, chất lượng đội ngũ giáo viên đã được khẳng định, tuy nhiên cận kề thời điểm tuyển sinh (20-6-2018) và thời gian công bố xét tuyển, nhận hồ sơ của học sinh trúng tuyển hệ song bằng, Trường THCS Cầu Giấy vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Lãnh đạo Trường THCS Cầu Giấy cho biết: Hiện nhà trường đã có một tiến sĩ Toán được đào tạo ở Pháp và một số giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy bằng tiếng Anh. Số giáo viên này sẽ tham gia trợ giảng, dự giờ để một vài năm tới sẽ trực tiếp giảng dạy. Để giảng dạy được chương trình Cambridge, nhà trường đang thẩm định nguồn giáo viên nước ngoài có uy tín để ký hợp đồng.
Bên cạnh đó, trường cũng đã tham quan cơ sở vật chất, trang bị ở các trường quốc tế, trường dân lập đã và đang thực hiện chương trình Cambridge và tham vấn chuyên gia nước ngoài về cơ sở vật chất cần đầu tư; xây dựng danh mục cơ sở vật chất cần đầu tư để báo cáo UBND quận, nhằm đáp ứng đủ cơ sở vật chất khi bước vào năm học mới.
Để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh, trường đang nghiên cứu kỹ chương trình song bằng và thành lập Ban quản lý, lựa chọn giáo viên trợ giảng để học tập, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy Lê Kim Anh cho biết thêm.
Thời điểm học sinh nhận đơn và nộp đơn đăng ký nguyện vọng tại cơ sở giáo dục nơi học lớp 5 đã cận kề, với chỉ tiêu chỉ có 350 em toàn thành phố, vậy mà những thông tin về chương trình hiện hành chưa thể khiến phụ huynh yên tâm nộp đơn dự tuyển cho con. Trong khi đó, về phía các nhà trường thực hiện thí điểm, có lẽ những bước triển khai còn phải mất nhiều thời gian mới có thể đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Ngày 17-5, phóng viên Báo Quân đội nhân dân Điện tử đã liên hệ với lãnh đạo và các phòng chức năng của Sở GD-ĐT Hà Nội để nắm thông tin về chương trình đào tạo song bằng tại các trường THCS công lập Hà Nội. Tuy nhiên, không biết vì lý do gì, sau nhiều lần liên hệ, đến thời điểm hiện tại phóng viên vẫn không nhận được câu trả lời. Hiện tại rất nhiều phụ huynh mong muốn có được thông tin về chương trình để đưa ra sự lựa chọn trước thời hạn nộp hồ sơ vào ngày 31-5. |
Bài, ảnh: THU HÀ