“Bức tranh” cần làm rõ
“Bất kỳ một chương trình mới nào khi được triển khai cần nhìn vào đường dài của chương trình đó, có nghĩa đầu ra của chương trình đó như thế nào, học sinh được gì, giáo viên được gì?”, ThS Đặng Minh Tuấn, Trung tâm Toán tiếng Anh (UberMath) chia sẻ.
Với chứng chỉ Sư phạm ĐH Harvard (Mỹ), có nhiều kinh nghiệm trong giảng dạy cho học sinh và tập huấn giáo viên các trường THPT chuyên toàn quốc về dạy Toán và Khoa học bằng tiếng Anh, ThS Đặng Minh Tuấn cho rằng, mỗi người có những mục đích khác nhau khi học chương trình Cambridge, như nâng cao năng lực tiếng Anh; học toán, khoa học hay các môn khác bằng tiếng Anh... Có thể nói, để làm được những điều tốt đó cần phải có quỹ thời gian, năng lực về tài chính và có sự chuẩn bị chu đáo.
 |
Học sinh Trường THCS Trưng Vương. (Ảnh minh họa) |
“Chương trình Cambridge tốt là điều chắc chắn. Vấn đề ở đây không phải là việc tiếp nhận kiến thức khó hay dễ mà là văn hóa tiếp cận kiến thức. Đó là điều mà phụ huynh và học sinh nên cân nhắc, tìm hiểu thông tin cặn kẽ trước khi quyết định theo hay không theo chương trình Cambridge”, ThS Đặng Minh Tuấn chia sẻ.
Theo nhận xét của một số chuyên gia giáo dục và cũng đã nghiên cứu về hệ đào tạo này, ở nước ngoài, trẻ học chương trình này từ 5 tuổi, còn ở Việt Nam việc học “cắt ngang” khi nền tảng kiến thức theo chương trình Cambridge của học sinh chưa có. Do vậy, việc học chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn. Ví dụ, bình thường học sinh chỉ học hết 1 giờ đồng hồ, nhưng để đáp ứng chương trình này học sinh phải học hết 3 giờ, như vậy các em sẽ vất vả hơn rất nhiều.
Bên cạnh đó, một điểm khác biệt rõ rệt của chương trình Cambridge so với chương trình giáo dục đại trà ở Việt Nam là việc chia cấp học. Theo chương trình Cambridge, học sinh bắt đầu học từ 5 tuổi, cấp THCS được chia thành 2 mức độ, từ lớp 6 đến 8 là một hệ, lớp 9-10 là một hệ khác, tiếp đó học sinh lớp 11-12 học theo chương trình A level. Còn ở Việt Nam, chương trình cho học sinh THCS chỉ đến lớp 9. Như vậy, nếu một trường THCS chạy theo hệ Cambridge sẽ phải hết lớp 10 hay theo hệ thống của Việt Nam và “ép” học sinh vào cấp THPT với chương trình tiếp theo?
Học song bằng có nghĩa vừa học chương trình Việt Nam, vừa học chương trình quốc tế, như vậy quỹ thời gian của học sinh sẽ khác và chi phí cũng sẽ cao hơn. Hệ thống song bằng đã triển khai được 1 năm ở Trường THPT Chu Văn An, vậy các cơ quan chức năng cần làm rõ “bức tranh” song bằng gặp thuận lợi và khó khăn gì khi được triển khai tại Việt Nam để phụ huynh và xã hội có cái nhìn rõ nét hơn.
Giáo viên là nhân tố rất quan trọng
Học Cambridge, đứa trẻ đó khác biệt gì về tư duy, khác biệt gì về nhận thức, đó chính là kỳ vọng và cũng là câu hỏi mà xã hội quan tâm về chương trình này.
Sản phẩm giáo dục là sản phẩm đặc biệt, nên dù chương trình có tuyệt vời thế nào đi nữa mà giáo viên không truyền tải được cho học sinh thì cũng không mang lại hiệu quả, gây lãng phí. Như vậy giáo viên là nhân tố rất quan trọng để chạy được chương trình này. Dạy chương trình quốc tế không đơn thuần là dạy các môn toán hay các môn khoa học bằng tiếng Anh, mà quan trọng là giáo viên phải “ngấm” được tư tưởng của chương trình. Do đó, để đáp ứng được, họ cần có kiến thức và sự trải nghiệm. Các nội dung tập huấn, trao đổi kinh nghiệm với đồng nghiệp, lên giáo trình, dạy thử phải được giáo viên thực hiện trước khi bước vào dạy chính thức.
Bên cạnh đó, chương trình Cambridge đòi hỏi các trường một hệ thống phòng thí nghiệm và thực hành kèm theo. Thực tế cho thấy, cần có một môi trường kiến thức tổng thể để trang bị cho học sinh. "Nếu học chương trình quốc tế mà cái cũ vẫn diễn ra xung quanh thì sự thay đổi đó là nửa vời", ThS Đặng Minh Tuấn nhận xét.
ThS Tuấn chia sẻ: Việc học hệ Cambridge ở Việt Nam không phải điều mới nhưng trước nay được đề cập nhiều ở trình độ cuối cùng là A-level và phổ biến trong nhóm các học sinh có dự định du học. Đây cũng có thể là một kênh để các phụ huynh tham khảo thông tin cũng như cách thức học chương trình này để có các lựa chọn phù hợp với từng gia đình, từng học sinh.
Chương trình của Cambridge có tính chất lựa chọn, nghĩa là người học có quyền chọn một số môn học trong tổng số 70 môn của chương trình. Như vậy sự lựa chọn trải rất rộng, do đó học sinh cần xác định mục tiêu khi theo đuổi và lưu ý khi lựa chọn các môn học.
Theo thông tin từ Trường THCS Nghĩa Tân (Cầu Giấy), chương trình đạo tạo sẽ triển khai theo chương trình khung đã được xây dựng trong đề án của Sở GD-ĐT. Trên cơ sở so sánh 2 bộ giáo trình, giáo trình thí điểm là tổ hợp chương trình IGCSE của CAIE và chương trình quốc gia theo quy định của Bộ GD-ĐT Việt Nam cho các môn: Toán, Tiếng Anh, Khoa học, ICT (MOS) cho khối lớp 6,7; Môn Toán, Tiếng Anh, ICT (MOS), Kinh doanh (môn tự chọn) cho khối lớp 8,9. Dự kiến sẽ học 6 ngày/tuần và mỗi ngày học tối đa 7 tiết.
|
Bài, ảnh: THU HÀ
Bài 3: Còn nhiều thứ chưa “chuẩn”