Cách đây hơn một năm, ngày 31-7-2023, Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Để chiến lược này thực sự đi vào cuộc sống, từ nhận thức đến hành động, chúng ta có nhiều việc phải giải quyết căn cơ, thấu đáo mới kỳ vọng tạo ra bước đột phá về việc thu hút, trọng dụng nhân tài để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và sức mạnh Việt trong thời gian tới.
|
|
Giảng viên và sinh viên Trường Hóa và Khoa học sự sống, Đại học Bách khoa Hà Nội học tập, nghiên cứu với máy cộng hưởng từ hạt nhân. Ảnh: KHÁNH HÀ |
Một dân tộc giàu trí tuệ là một dân tộc có phúc. Một thể chế chính trị biết chiêu hiền đãi sĩ, xem trọng những người giàu kiến thức và năng lực là một thể chế chính trị tiến bộ, văn minh. Chúng ta nhận thức được vấn đề căn cốt đó, nhưng vì sao lại chưa biến thành hành động quyết liệt để mọi nhân tài đều có cơ hội phát huy, tỏa sáng?
Hành trình “thai nghén” chiến lược quốc gia về nhân tài kéo dài gần 10.000 ngày
Cách đây 27 năm, Hội nghị Trung ương 3, khóa VIII ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 18-6-1997 về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây là lần đầu tiên Đảng ta nêu ra chủ trương phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân tài. Tiếp đó, các Văn kiện Đại hội IX, X, XI, XII, XIII của Đảng đều nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của việc phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài đối với sự phát triển đất nước.
Chủ trương đưa ra như vậy, nhưng chậm đi vào cuộc sống, chậm được cụ thể hóa bằng cơ chế, chính sách, vì thế, nhiều nhân tài ở cả trong và ngoài nước vẫn không có cơ hội được dấn thân, cống hiến cho đất nước.
|
|
Vinh danh những Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023. Ảnh: NGUYỄN HỒNG |
Bằng chứng là, tính từ dấu mốc Hội nghị Trung ương 3, khóa VIII (năm 1997), phải tới 20 năm sau (thời gian tương đương 4 nhiệm kỳ đại hội của Đảng), ngày 5-12-2017, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 140/2017/NĐ-CP về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ. Tiếp đó, ngày 31-7-2023, Chính phủ mới ban hành Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nghĩa là sau 27 năm, hành trình từ chủ trương đi tới quyết sách cụ thể về thu hút, trọng dụng nhân tài đã trải qua gần 10.000 ngày!
Theo PGS, TS Vũ Minh Khương, giảng viên cao cấp Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam từ năm 1945 đến nay đã trải qua hai thời kỳ khiến thế giới kinh ngạc, đó là thời kỳ “đứng dậy” (đứng lên đánh đuổi hai đế quốc xâm lược, hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc); thời kỳ “thức dậy” (thức tỉnh năm 1986, làm nên những kỳ tích trong công cuộc đổi mới).
Thời kỳ hiện nay là “trỗi dậy” để vươn lên trở thành nước phát triển vào năm 2045. Muốn đạt được mục tiêu “trỗi dậy” của đất nước, một trong 3 vấn đề then chốt là phải quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực cao, đặc biệt là thu hút, trọng dụng nhân tài. Tuy nhiên, PGS, TS Vũ Minh Khương cho rằng: “Chúng ta mới sử dụng được khoảng 50% tiềm năng của đất nước. Lãng phí nguồn lực và lãng phí thời cơ còn khá phổ biến trong mọi lĩnh vực và tổ chức”.
Một trong những biểu hiện của sự lãng phí nguồn lực là chúng ta chưa quy tụ, phát huy được nhân tài để tạo ra động lực phát triển bứt phá cho đất nước. Khoảng một thập niên gần đây, nhiều địa phương đã ban hành chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nhưng cách làm chưa căn cơ, có biểu hiện chạy theo phong trào, “đánh trống khua chiêng” là chính.
Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, thực hiện Nghị định số 140/2017/NĐ-CP, trong hai năm gần đây (2022-2023), cả nước mới thu hút được 584 sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ vào khu vực công (trong đó Trung ương là 170 người, địa phương là 414 người). Cả nước có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, như vậy trung bình trong một năm, mỗi tỉnh, thành phố chỉ thu hút được từ 3 đến 4 nhân tài vào khu vực công.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ rất trăn trở khi cho rằng, nhiều địa phương có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội hàng đầu đất nước, như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc... dù đã ban hành chính sách thu hút nhân tài, song đến nay, số lượng nhân tài vào bộ máy công quyền còn thấp so với kỳ vọng.
Nhiều nhân tài “mắc kẹt” bởi thái độ hẹp hòi và điểm nghẽn cơ chế
Dân tộc Việt Nam có truyền thống quý mến, trọng dụng nhân tài. Nhiều bậc đế vương anh minh của các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều xuống “Chiếu cầu hiền” chiêu mộ nhân tài, tổ chức các kỳ thi khắt khe để phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh có cách phát hiện, thu hút, ứng xử, đối đãi rất khéo léo, đúng mực đối với các nhân tài.
Tuy nhiên, nhiều bài học về thu hút, trọng dụng nhân tài của các bậc tiền nhân lại chưa được chúng ta vận dụng, phát huy một cách thấu tình đạt lý để phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
|
|
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng học sinh đoạt giải Olympic và Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023. Ảnh: SƠN PHÚ |
Trong khi Đảng ta yêu cầu: “Hình thành ý thức và tâm lý xã hội tôn trọng, tôn vinh trí thức, coi “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”, thì dưới con mắt của không ít cán bộ lãnh đạo, nhân tài chỉ là nhà khoa học, chuyên gia, trí thức, văn nghệ sĩ làm chuyên môn thuần túy. Đáng nói hơn, thái độ ứng xử với nhân tài cũng thiếu khoa học. Nhiều tổ chức, cơ quan và người lãnh đạo vẫn coi trọng bằng cấp hơn thực học, thực tài, thực nghiệp. Cách xem xét, đánh giá như vậy là sai bản chất, vì họ coi trọng hình thức hơn nội dung, làm trái quy luật của triết học biện chứng là “nội dung quyết định hình thức”.
Nguy hại hơn, trong công tác cán bộ thì lại chú trọng chủ nghĩa thành phần, chủ nghĩa thân hữu. Từ tháng 2-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng cảnh báo và yêu cầu ngăn chặn tình trạng: “Trong công tác cán bộ thì “thứ nhất là quan hệ, thứ nhì là tiền tệ, thứ ba là hậu duệ, thứ tư mới đến trí tuệ”.
Trí tuệ là giá trị cốt lõi của nhân tài, thế mà bị đẩy lùi ra phía sau cùng thì làm sao nhân tài mặn mà với vận mệnh sơn hà xã tắc? TS Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản thẳng thắn cho rằng: “Khi chúng ta hành xử không đúng mực với nhân tài, để họ đứng ra ngoài hành trình của đất nước, thì đất nước sẽ khó phát triển”.
Trong khi đó, chính sách trọng dụng nhân tài còn bất cập. Là một nhà nghiên cứu lâu năm, PGS, TS Nguyễn Thị Song Hà (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cung cấp một thông tin khiến chúng tôi không khỏi trăn trở: Thực trạng “chảy máu chất xám” đã, đang là vấn đề cấp bách. Chính phủ có đề án nhằm hỗ trợ, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài, trong đó nhiều lưu học sinh được Chính phủ cấp học bổng đi du học hay cấp kinh phí để cán bộ, giảng viên đi nước ngoài học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Song hiện nay chưa đủ 50% số người được cử đi học về nước cũng bởi một phần nguyên nhân là do chính sách đãi ngộ nhân tài còn vênh so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Có nhiều rào cản khiến không ít nhân tài của Việt Nam không muốn trở về nước để cống hiến, như: Môi trường làm việc gò bó, cơ hội phát triển ít, thu nhập không thỏa đáng, cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu học tập, nghiên cứu của nhân tài. Vì vậy, nhiều tài năng của đất nước tìm cách ở lại hoặc lựa chọn những quốc gia phát triển để làm việc.
Việt Nam loay hoay trong vị thế xếp hạng chỉ số GTCI
Theo bảng xếp hạng về chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu (GTCI) năm 2021, Việt Nam đứng thứ 82/134 quốc gia; đứng thứ 13/15 quốc gia được xếp hạng trong khu vực Đông Á, Đông Nam Á. Chỉ số GTCI trung bình của Việt Nam trong hai kỳ đánh giá 2016-2018 và 2019-2021 giữ nguyên ở vị trí thứ 84/113 quốc gia.
Trông người lại ngẫm đến ta. Nhiều quốc gia Đông Nam Á đã có sự bứt phá ngoạn mục để không ngừng vươn lên cải thiện chỉ số GTCI, như Singapore đã vượt lên xếp vị trí thứ 2, Malaysia xếp hạng 28, Philippines xếp hạng 52, Thái Lan xếp hạng 73. Một quốc gia có chế độ chính trị-xã hội tương đồng với Việt Nam là Trung Quốc cũng tăng 7 bậc trong bảng xếp hạng, từ vị trí thứ 47 lên vị trí thứ 40.
Đáng băn khoăn hơn, dù Việt Nam là một trong 10 quốc gia dẫn đầu về chỉ số GTCI toàn cầu trong nhóm 36 quốc gia có thu nhập trung bình thấp trên thế giới, nhưng lại không nằm trong số 10 quốc gia có xếp hạng cao về chỉ số “thu hút nhân tài”, “giữ chân nhân tài” của nhóm này.
Chỉ số cạnh tranh nhân tài toàn cầu gồm 6 yếu tố cốt lõi, gồm: Thu hút nhân tài; phát triển nhân tài; giữ chân nhân tài; tạo điều kiện thuận lợi cho nhân tài; kỹ năng kỹ thuật và đào tạo nghề; kỹ năng tri thức toàn cầu. Chỉ số GTCI là kênh thông tin tham khảo quan trọng về mức độ coi trọng, quan tâm đến phát triển nhân tài của các quốc gia; đồng thời phần nào khẳng định vị thế, thương hiệu và tiềm năng, sức mạnh phát triển của mỗi quốc gia thông qua việc trọng dụng và phát huy nhân tài một cách đúng đắn.
Để cải thiện chỉ số GTCI của Việt Nam, trong “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, Chính phủ đề ra mục tiêu: “Chỉ số GTCI từ năm 2031 trở đi luôn được cải thiện, phấn đấu tăng dần so với năm trước; các chỉ số về “thu hút nhân tài”, “giữ chân nhân tài” xếp hạng cao trong số các quốc gia có thu nhập trung bình cao".
Năm 2013, Bộ Khoa học và Công nghệ từng xây dựng Đề án “Đào tạo, thu hút, sử dụng nhân lực khoa học và công nghệ trình độ cao giai đoạn 2012-2020” với mục tiêu đến năm 2020 sẽ đào tạo và thu hút được 130 nhà khoa học hàng đầu ở mọi lĩnh vực, trong đó có 20 nhà khoa học đầu ngành đạt trình độ quốc tế, 20 tổng công trình sư, 1.000 kỹ sư trưởng và 10.000 kỹ sư đạt chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, hơn 10 năm qua, đề án đó đến nay vẫn nằm trên giấy.
|
“Đảng ta sớm đề ra chủ trương về phát hiện, thu hút nhân tài, nhưng việc ra quyết sách rất chậm, triển khai lại không rõ ràng, thiếu cụ thể chính là một trong những nguyên nhân khiến việc thu hút, trọng dụng nhân tài ở nước ta nhiều năm qua vẫn chật vật, loay hoay. Sự lừng chừng này cũng khiến thời cơ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước có lúc bị chững lại và nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề chưa phát triển bứt phá như kỳ vọng của toàn xã hội". Trung tướng, GS, TS NGUYỄN ĐÌNH CHIẾN, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển nhân lực - nhân tài Việt Nam |
(còn nữa)
NHÓM PHÓNG VIÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Giáo dục Khoa học xem các tin, bài liên quan.