Giữ truyền thống không dễ

Xã Hùng Việt (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) có nghề gói bánh chưng truyền thống lâu đời. Bánh chưng đất Tổ của làng cũng vừa trở thành 121 món ẩm thực tiêu biểu trong Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia” do Hiệp hội Văn hoá ẩm thực Việt Nam (VCCA) thực hiện.

Ông Phạm Xuân Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã Nông thương Đất Tổ, người sáng lập thương hiệu Bánh chưng đất Tổ, cho biết: Bánh chưng đất Tổ gói ghém cả chiều dài lịch sử, kể từ thời hoàng tử Lang Liêu gói bánh dâng vua cha. Chiếc bánh được truyền từ nhiều đời tại nơi được coi là cội nguồn của dân tộc, nơi thờ phụng các Vua Hùng và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Vì thế, Bánh chưng đất Tổ giúp mỗi người con đất Việt nhớ đến cội nguồn dân tộc.

Qua bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Phú Thọ, bánh đạt chuẩn vuông vức cao thành, gạo rền, nhân thơm, màu sắc tươi sáng, trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc. Không phải ngẫu nhiên khi chiếc bánh được lưu truyền từ nhiều đời, được làng xã trân quý gìn giữ, được thực khách trân trọng tin dùng hay tự hào mang đi làm quà tặng.

leftcenterrightdel

 Giới thiệu những món ẩm thực từ gà Tiên Yên, một trong những đặc sản thu hút du khách của huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Dù Bánh chưng đất Tổ đã khẳng định được thương hiệu, được phân phối ở hơn 20 tỉnh, thành phố, có khoảng 200 đại lý và siêu thị phân phối nhưng ông Phạm Xuân Hiếu còn những băn khoăn: "Làm sản phẩm truyền thống khó bởi kinh tế thị trường với xu hướng ăn nhanh, tiêu dùng nhanh. Người làm nghề và giữ nghề truyền thống xứng đáng được ghi nhận, tôn vinh nhiều hơn, bởi lựa chọn này là một trong những lựa chọn khó khăn, vất vả. Người giữ nghề không phải họ không thể làm được những việc khác ngoài thị trường, nhưng với niềm tự hào và kiêu hãnh truyền thống, với tình yêu và mong muốn tạo ra những giá trị cho văn hóa truyền thống mà họ kiên trì và quyết tâm theo đuổi".

Cũng giống như Bánh chưng đất Tổ, 120 món ẩm thực tiêu biểu khác của Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia” đều đã được khẳng định giá trị văn hóa truyền thống qua thời gian. Nhưng không phải với món ẩm thực nào người nghệ nhân cũng thuận lợi giữ nghề. Đây là tình hình chung của ẩm thực Việt Nam khi lâu nay chúng ta tự hào vì nền ẩm thực đặc trưng, phong phú, đa dạng, tốt cho sức khỏe.

Tuy nhiên, khi nói đến ẩm thực châu Á, người ta nhớ ngay đến món Nhật, Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc, còn trong khu vực Đông Nam Á là nói đến món Thái. Ẩm thực Việt vẫn chưa định hình được chỗ đứng trên bản đồ thế giới.

Để du khách biết đến ẩm thực Việt

Có thể khẳng định một trong những lý do ẩm thực Việt Nam vẫn chưa định hình trên bản đồ thế giới là bởi cách quảng bá của chúng ta vẫn chưa đủ tốt. Tại các địa phương, Hà Nội mới chỉ lên danh sách được một phần di sản văn hóa ẩm thực của Thủ đô; Huế đang có một số nghiên cứu về ẩm thực; Hải Phòng có một bản đồ vài trang giới thiệu tour du lịch ẩm thực Hải Phòng...

Đã từng bỏ nghề kiến trúc sư để về xây dựng thương hiệu bánh chưng quê nhà, ông Phạm Xuân Hiếu bày tỏ mong muốn hoạt động bảo tồn sản phẩm làng nghề truyền thống không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu mà cần nỗ lực thực sự từ chính những người dân làng nghề, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng; sự chung tay ủng hộ của người tiêu dùng, người làm truyền thông. Có như vậy làng nghề mới trở thành niềm kiêu hãnh, người giữ nghề mới có kế sinh nhai và cơ hội làm giàu trên mảnh đất quê hương.

TS Nguyễn Thu Thủy (Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội) đề xuất: "Chúng ta nên chọn ẩm thực là giá trị cốt lõi để thu hút khách du lịch".

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam cho rằng: Chúng ta cần phải chinh phục thế giới qua ẩm thực bằng nhiều kênh quảng bá khác nhau. Trong đó, ngoài các kênh truyền thông, hệ thống hơn 150.000 nhà hàng, quán ăn của người Việt ở hàng trăm quốc gia, vùng lãnh thổ có thể là nơi hiệu quả để chúng ta quảng bá ẩm thực Việt tới thế giới.

Bên cạnh đó, việc bảo tồn, phát huy giá trị các món ẩm thực giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Đề án “Xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia” thực hiện mục tiêu trọng tâm là tìm kiếm, sưu tầm, tôn tạo, phát triển các di sản và các tinh hoa văn hóa ẩm thực Việt Nam; đưa ẩm thực trở thành thương hiệu quốc gia, đưa Việt Nam trở thành bếp ăn của thế giới, qua đó đóng góp sự bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Việt. Với các món ẩm thực được trao chứng nhận, Hiệp hội mong muốn các địa phương, đơn vị xây dựng đề án, kế hoạch để tiếp tục phát triển, lan tỏa sâu rộng hơn nữa giá trị văn hóa ẩm thực, hình thành thế mạnh tại địa phương mình. 

 "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định du lịch ẩm thực là một trong những dòng sản phẩm quan trọng, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh và thương hiệu du lịch Việt Nam. Để khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế về du lịch ẩm thực, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch ẩm thực hấp dẫn, chất lượng, trong đó chú trọng cung cấp những trải nghiệm, khám phá về bản sắc văn hóa, sinh hoạt cộng đồng của điểm đến gắn với từng món ăn" (Ông NGUYỄN LÊ PHÚC, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

 

Bài và ảnh: THÀNH LƯU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Văn hóa xem các tin, bài liên quan.