Ấn tượng Làng du lịch cộng đồng Hữu Liên

Làng du lịch cộng đồng Hữu Liên (huyện Hữu Lũng) đón du khách bằng thứ men rượu lá ngọt ấm giữa vùng biên cương trùng điệp núi và cây. Những ấp nhà sàn chơi vơi trong ánh nắng cuối thu dẫn lối bằng con đường nhỏ lắt léo. Tại homestay (nhà nghỉ cộng đồng) Rừng Xanh, thôn Làng Bên, xã Hữu Liên, hướng dẫn du khách cách làm bánh bí đỏ, chị Lèo Thị Thim không quên giới thiệu nguồn gốc cùng những tác dụng của món bánh này.

Chị Lèo Thị Thim ở Làng du lịch cộng đồng Hữu Liên hướng dẫn khách làm bánh bí đỏ.

Trên đường từ homestay Rừng Xanh sang homestay Ngọc Bích, Làng du lịch cộng đồng Là Ba, ông Phạm Hồng Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Hữu Lũng cho biết: "Hữu Liên có 3 thôn hoàn thiện mô hình du lịch cộng đồng (Là Ba, Làng Bên và thôn Làng Cóc) với 4 hộ gia đình đạt chuẩn homestay đón tiếp, phục vụ khách. Dự kiến đến hết năm 2018, Hữu Liên sẽ có thêm 3 hộ gia đình đạt chuẩn. Từ đầu năm 2018 đến nay, các làng du lịch cộng đồng ở Hữu Liên đã đón tiếp hơn 1.000 lượt khách trong nước và quốc tế. Có những lúc đón đoàn khách nước ngoài ở đến 26 ngày và tham gia gặt lúa, bắt cá, xem biểu diễn văn nghệ truyền thống từ chèo, diễn kịch, hát then… Hữu Liên may mắn vì có những hạt nhân rất tâm huyết như ông Hoàng Minh Luật, Bí thư Đảng ủy xã".

Hiếm có người làm du lịch cộng đồng lại nắm tường tận và giới thiệu với du khách về những đặc sản của quê hương, như: Cá suối chua Lâm, thịt lợn hun khói, nem nướng, bánh chưng đen… nhiệt tình như ông Hoàng Minh Luật. Ông cho biết, mô hình hoạt động du lịch cộng đồng của xã hiện nay được tổ chức tương đối quy củ. Để được tham gia đón khách, các gia đình phải đáp ứng đủ 19 tiêu chí do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn ban hành. Ban quản lý thực hiện quản lý các gia đình làm du lịch cộng đồng, giới thiệu và điều phối để khách đến được gia đình mà mình thấy thích hợp nhất. Ban quản lý do Chủ tịch UBND xã là trưởng ban, các thành phần trong thôn, đoàn thể, hộ dân là ủy viên. Ngoài ra còn có các tổ dịch vụ, tổ an ninh, tổ môi trường, tổ khuân vác… Nhờ thế, đến nay các hộ dân đều hào hứng tham gia mà không hề có sự tị nạnh, tranh giành khách. Ai cũng hiểu rằng giữ gìn nét đẹp của cộng đồng là giữ gìn cho chính gia đình mình.

Có bột sao chưa gột nên hồ?

Đầu tư bài bản, tâm huyết là vậy song du lịch cộng đồng Hữu Liên lại đang vướng phải một “hạt sạn” mà chính họ không thể tự giải quyết được. Ông Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) băn khoăn: "Các địa phương đang chuyển từ “nâu sang xanh”, nhưng ngay ví dụ điển hình nhất là đường vào Hữu Liên du khách vẫn phải “bịt mũi, nhắm mắt” vì đường bụi mù, xuống cấp do khai thác đá. Tôi cho rằng, Lạng Sơn cần xây dựng, hoàn thiện đường giao thông để bảo đảm mỹ quan du lịch tốt hơn”.

Lạng Sơn là tỉnh miền núi có nhiều lợi thế về địa lý và giao thông, nằm ở vị trí quan trọng vùng Đông Bắc Tổ quốc với hơn 250km đường biên giới, có nhiều cửa khẩu, chợ biên giới, là điểm đầu của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc)-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng và Lạng Sơn-Hà Nội-TP Hồ Chí Minh-Mộc Bài (Tây Ninh), là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc với các nước ASEAN… Thế nhưng lâu nay, nhiều người đến Lạng Sơn đi du lịch lưu trú không lâu, chủ yếu tham quan chợ và mua hàng giá rẻ ở những khu vực gần biên giới. Trong lần làm việc với lãnh đạo tỉnh tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu du lịch địa phương cần chú ý làm sao đừng để du khách chỉ đi chợ Lạng Sơn rồi về xuôi ngay.

Nhiều lợi thế nhưng lại chưa khai thác hết, thậm chí khi đã có những cách làm phù hợp nhưng lại chưa triệt để, rõ ràng là điểm yếu không thể giải quyết ngày một ngày hai. Theo ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Lạng Sơn đã chú ý tới công tác bảo tồn, gìn giữ các giá trị, cảnh quan di tích; tích cực nghiên cứu, xây dựng những tour, tuyến du lịch hợp lý; đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên có kiến thức văn hóa, lịch sử; đầu tư có chiều sâu vào các dịch vụ đi kèm, cải thiện hạ tầng giao thông dẫn vào các khu di tích... Thời gian qua, đã có những nhà đầu tư lớn đến với tỉnh, như: Vin Group, Mường Thanh, Sun Group… Lạng Sơn đang phấn đấu trở thành điểm đến du lịch trong đó vẫn giữ được những nét độc đáo của xứ Lạng chứ không thể sao chép ở đâu đó; vừa đầu tư phát triển du lịch vừa nhanh chóng xây dựng, kiến tạo thương hiệu du lịch Lạng Sơn trở thành thương hiệu mạnh trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Bài và ảnh: LAN DỊU