Để triển khai nghị quyết có hiệu quả, ngành du lịch Đà Nẵng là nhân tố đóng vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế của khu vực và cả nước. Tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng.
 |
Ông Ngô Quang Vinh. |
Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về kết quả của du lịch TP Đà Nẵng trong những năm qua?
Ông Ngô Quang Vinh: Được sự quan tâm chỉ đạo và đầu tư của thành phố với mục tiêu xây dựng du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, 15 năm qua, du lịch Đà Nẵng có bước phát triển khá tốt, bình quân hằng năm khách quốc tế tăng hơn 20%. Năm 2018, ngành du lịch Đà Nẵng tiếp tục vượt mức kế hoạch, doanh thu của ngành cũng tăng hơn 20%. Để đạt được kết quả đó là nhờ có cơ sở hạ tầng đồng bộ: Hệ thống giao thông, bến cảng, sân bay… thuận lợi cho du lịch phát triển. Đặc biệt, Đà Nẵng đã thu hút những nhà đầu tư chiến lược, xây dựng các khu du lịch mới, các sản phẩm mới; xây dựng được một điểm đến an toàn, thân thiện, một môi trường trong sạch, phát huy được thế mạnh du lịch nghỉ dưỡng biển trên nền tài nguyên thiên nhiên của thành phố.
 |
Cầu Vàng Đà Nẵng, một trong những điểm đến thu hút du khách. |
PV: Xem ra toàn là những thuận lợi, thưa ông?
Ông Ngô Quang Vinh: Bên cạnh những thuận lợi, chúng tôi thấy có những thách thức đang đặt ra với ngành du lịch Đà Nẵng. Thứ nhất, bên cạnh phát triển về số lượng thì phải chuyển sang quan tâm về chất lượng để tỷ lệ khách quay lại Đà Nẵng cao hơn. Thứ hai, vấn đề bảo đảm môi trường đang là áp lực lớn khi số lượng các cơ sở lưu trú tăng mạnh; một số khu vực có dấu hiệu quá tải về tình trạng dừng, đỗ xe, về xử lý chất thải, về vấn đề an ninh-trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm... Thứ ba, lượng khách quốc tế hằng năm tăng hơn 20% đặt ra vấn đề về nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề, bởi Đà Nẵng được xác định là điểm đến không chỉ ở tầm quốc gia mà là của khu vực Đông Nam Á và thế giới; vì thế lực lượng lao động phải tương xứng, phải cạnh tranh được với các quốc gia trong khu vực.
PV: Trong thực hiện Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị, để đạt được những mục tiêu đề ra, ngành du lịch Đà Nẵng có những kế hoạch, chủ trương phát triển như thế nào, thưa ông?
Ông Ngô Quang Vinh: Chúng tôi sẽ cơ cấu lại ngành du lịch và chuyển mạnh sang nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng. Đặc biệt, tiếp tục phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, phát triển du lịch hội nghị-hội thảo, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa để phát huy bản sắc văn hóa địa phương, mang lại lợi ích cho cộng đồng. Theo Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị thì Đà Nẵng sẽ giữ vai trò là cực tăng trưởng, hạt nhân của cả vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, vì vậy cần đẩy mạnh hơn nữa sự liên kết với các địa phương trong vùng. Thành phố cũng đã đồng ý xây dựng đề án cơ cấu lại ngành du lịch, xác định ngưỡng phát triển du lịch trong thời kỳ mới để đầu tư, nâng cấp hạ tầng cơ sở, giải quyết vấn đề áp lực về môi trường. Ví dụ, sân bay Đà Nẵng sẽ xây dựng thêm nhà ga T3 với công suất từ 13 đến 15 triệu hành khách/năm; cảng biển sẽ chuyển đổi công năng cảng Tiên Sa thành cảng du lịch; đẩy mạnh du lịch phía tây và tây bắc của thành phố, phát triển đường thủy, khơi thông sông Cổ Cò để kết nối với Hội An...
PV: Đà Nẵng đã triển khai và thực hiện việc kết nối với du lịch các nước và du lịch trong khu vực như thế nào, thưa ông?
Ông Ngô Quang Vinh: Những năm qua, Đà Nẵng được các trang mạng, các tạp chí bình chọn là điểm đến hấp dẫn, là nơi phải đến trong năm 2018, 2019, là điểm đến hàng đầu ở châu Á. Hiện nay, du lịch Đà Nẵng phải quan tâm nhiều hơn nữa xu thế phát triển của thế giới về vấn đề bảo vệ tài nguyên môi trường, phát huy giá trị văn hóa cộng đồng. Chúng ta hội nhập với thế giới, học Thái Lan, Singapore nhưng Đà Nẵng vẫn có những bản sắc riêng, thương hiệu riêng để phát triển du lịch.
Từ năm 2006, TP Đà Nẵng cùng với Thừa Thiên-Huế và Quảng Nam đã ký biên bản hợp tác phát triển du lịch. Những năm gần đây, nhiều chương trình quảng bá được 3 địa phương phối hợp xây dựng xúc tiến, như: “Ba địa phương một điểm đến”, “Đà Nẵng biển gọi”, “Quảng Nam hành trình di sản”… cùng với đó là những chương trình tham gia hội chợ, giới thiệu sản phẩm du lịch cũng được mở rộng ra nhiều nước trên thế giới. Hằng quý, hằng năm 3 địa phương đều tổ chức họp, trao đổi kinh nghiệm về cách thức quản lý, môi trường kinh doanh và sắp tới sẽ phát triển mạnh hơn nữa sự liên kết, cùng tạo ra lợi ích để phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng. Tôi mong rằng Trung ương sẽ có một quy chế, khung pháp lý chung để cùng xây dựng cơ chế chính sách đặc thù nhằm giúp các địa phương tạo ra lợi ích, phát huy tiềm năng, thế mạnh, tiếp tục vươn lên phát triển xứng tầm với du lịch trong nước và khu vực.
KIM NGÂN (thực hiện)