Hội thảo do Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội (HCCT) phối hợp tổ chức cùng Viện Nghiên cứu Nam Á, Tây Á và châu Phi (ISAWAAS) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (VASS), Trường Đại học RMIT và Đại sứ quán Azerbaijan, Paskistan, Palestin, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan; Trung tâm chứng nhận Halal Việt Nam; Công ty TNHH Tư vấn và Đào tạo Halal Raja Việt Nam tổ chức. Hội thảo có sự tham gia của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền các nước Pakistan, Palestine, Azerbaijan, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ; đại diện các quốc gia, các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp...

Các đại biểu thảo luận về triển vọng phát triển du lịch gắn với Halal. 

TS Trịnh Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội cho rằng: “Hội thảo nhằm góp phần triển khai Đề án “Tạo diễn đàn trao đổi giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà khoa học, doanh nghiệp, và tổ chức quốc tế, cộng đồng về tiềm năng phát triển du lịch gắn với Halal tại Hà Nội, phân tích thực trạng… từ đó định hình các chính sách, chiến lược phát triển bền vững; thúc đẩy kết nối và hợp tác quốc tế, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển sản phẩm, dịch vụ Halal và quảng bá du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm Halal; hỗ trợ các cơ sở giáo dục và đào tạo trong xây dựng và tổ chức chương trình đào tạo, khóa đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch gắn với Halal tại Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung...”.

Chia sẻ tại hội thảo, Ngài Kohdayar Marri, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Pakistan tại Việt Nam giải thích: “Halal có nghĩa là những điều được cho phép của Hồi giáo. Du lịch Halal đang nổi lên như một xu hướng toàn cầu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành du lịch tại nhiều quốc gia. Với hơn 1,9 tỷ người Hồi giáo trên toàn thế giới, dự báo sẽ đạt gần 2,2 tỷ người vào năm 2030, chiếm khoảng 30% dân số toàn cầu, dẫn đến nhu cầu đi du lịch của người Hồi giáo gia tăng. Dự báo đến năm 2030, du lịch Halal sẽ đóng góp 334,5 tỷ USD vào ngành du lịch thế giới. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang hoạch định chính sách, xây dựng các chương trình hành động, đầu tư phát triển du lịch Halal để thu hút nguồn khách hàng tiềm năng này. Trong đó phải kể đến các quốc gia phi Hồi giáo trong khu vực gần với Việt Nam như: Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan… đều thuộc top 3 điểm đến ưu thích của người Hồi giáo ngoài Hội đồng hợp tác Hồi giáo (OIC) theo xếp hạng Chỉ số Du lịch Hồi giáo toàn cầu (GMTI) năm 2022”.

Cho rằng có nhiều dư địa để Việt Nam phát triển du lịch gắn với Halal, Ngài Saadi Salama, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Palestine tại Việt Nam bày tỏ: “Điều quan trọng nhất để phát triển du lịch Halal ở Việt Nam là phát triển hiểu biết về cách ứng xử. Nếu không biết cách ứng xử đúng với văn hóa của người Hồi giáo có thể sẽ vô tình để lại những dấu ấn không tốt. Trong khi đó thông tin về người Hồi giáo ở Việt Nam nhiều khi còn chưa chính xác 100%”. Trong khi đó, TS Aemin Nasir, chuyên gia Pakistan, Đại học RMIT Việt Nam gợi ý Việt Nam có thể làm một cuốn sổ tay hướng dẫn du lịch gắn với Halal trong đó có thông tin về các nhà hàng, các cơ sở lưu trú đủ tiêu chuẩn Halal, về những những địa điểm người Hồi giáo có thể cầu nguyện...

Tin, ảnh: THU HẰNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Du lịch xem các tin, bài liên quan.