Hội thảo cấp quốc gia do Hội đồng Dân tộc Quốc hội, Tổng cục Du lịch và Viện Kinh tế, văn hóa tổ chức với sự tham dự của khoảng hơn 100 đại biểu là lãnh đạo, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp…  

Hội thảo nhằm cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn cho Hội đồng Dân tộc thực hiện chức năng lập pháp, giám sát; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quyết định những cơ chế, chính sách tốt, phù hợp để liên kết, phát triển du lịch Chiến khu Việt Bắc, nhằm thực hiện có hiệu quả nội dung dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” của chương trình mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế xã hội đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi” tại các tỉnh Chiến khu Việt Bắc nói riêng, các tỉnh miền núi nói chung.

Bên cạnh đó, các ý kiến tại hội thảo cũng nêu lên cơ sở lý luận và thực tiễn, đóng góp ý kiến để liên kết phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lịch sử Chiến khu Việt Bắc…

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội thảo.

Hội thảo nhận được 20 bài tham luận với nhiều nội dung, thông tin, kết quả nghiên cứu nhằm liên kết phát triển du lịch Chiến khu Việt Bắc gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử cách mạng, góp phần phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh trên địa bàn Chiến khu Việt Bắc nói riêng, các tỉnh miền núi nói chung một cách hiệu quả, bền vững, thiết thực.

Tại hội thảo, TS Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, với nhiều lợi thế, khu vực Việt Bắc hoàn toàn có thể coi nhóm sản phẩm du lịch về nguồn, lịch sử cách mạng là nhóm sản phẩm đặc thù nổi bật nhất với các nhiều loại hình du lịch khác nhau bao gồm: Tham quan, tìm hiểu di tích cách mạng, giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho các thế hệ người Việt Nam; thăm lại chiến trường xưa tại các di tích lịch sử từ ATK Tân Trào - Tuyên Quang đến ATK Định Hóa - Thái Nguyên và Chợ Đồn - Bắc Kạn hay Quần thể di tích lịch sử Pác Bó (Cao Bằng), cụm di tích Bác Hồ với Chiến dịch Biên giới năm 1950, Khu di tích chiến thắng Đông Khê, Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo (Cao Bằng) hay Căn cứ địa cách mạng Bắc Sơn (Lạng Sơn)...

Có thể khai thác độc lập nhóm sản phẩm du lịch về nguồn hoặc kết hợp với nhóm sản phẩm du lịch sinh thái, tham quan các thắng cảnh thiên nhiên, khám phá những cung đường và thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ vùng núi cao; nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng; du lịch tâm linh... để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch dựa trên lợi thế của từng địa phương”.

Tin, ảnh: MINH NHÃ