Qua trò chuyện, chúng tôi được biết giữa trập trùng núi mây có một ngọn đồi trở thành điểm hẹn cho những ai yêu du lịch, văn hóa, lịch sử. Đồi Thiên Văn, nghe cái tên đã mang hơi hướng phong thủy cổ xưa, chất chứa trong đó bao câu chuyện từ hơn trăm năm trước.
Được lời giới thiệu, xe đưa chúng tôi đi từ khu vực Nhà hát lớn TP Hải Phòng chừng 8km về hướng Tây Nam tới quận Kiến An. Xe dừng bên đường Trần Thành Ngọ, ngước nhìn lên cao ngọn núi Đẩu Sơn sừng sững mà người trong vùng vẫn quen gọi là đồi Thiên Văn.
Chúng tôi dạo bước theo con đường trải nhựa uốn lượn quanh sườn đồi, thông reo rì rào, lá keo rừng phủ bóng mát rượi. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã có mặt ở đỉnh đồi. Trước khoảng sân rộng, tiếng nói cười râm ran. Giữa nhịp sống hối hả, rất nhiều du khách tìm đến nơi này vãng cảnh, gạt bỏ mọi ưu tư, hít căng lồng ngực sinh khí đất trời.
 |
Một góc cảnh quan đồi Thiên Văn (ảnh chụp trước tháng 5-2021). |
Đứng trước chiếc cổng cổ nóc đắp song long chầu nhật, bạn giới thiệu đây là Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đông Bắc. Một công trình hiện đại pha nét cổ kính phương Đông. Điều đó tạo nên nét đặc trưng kiến trúc của công trình. Gặp chị Trần Thị Hồng Lê, nhân viên của đài có hơn 30 năm công tác. Tham quan các hiện vật trưng bày ở tầng 1 mới hay công trình này do Toàn quyền Pháp xây dựng năm 1902.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đông Bắc (trước gọi là Đài Khí tượng thủy văn Phù Liễn) được xây dựng sớm nhất Đông Dương theo kiến trúc của Pháp, nơi khởi nguồn của ngành khí tượng Việt Nam. Khi mới xây dựng, công trình là một trung tâm nghiên cứu sánh ngang với các cơ sở khoa học của nhiều nước trên thế giới lúc bấy giờ như đài khí tượng của Mỹ ở Manila (Philippines), đài khí tượng Tokyo (Nhật Bản)...
Cái danh nức tiếng của đài được người đời truyền tụng bằng đôi câu đối: “Đông Pháp thiên văn đại tổng cục/ Bắc Kỳ Phù Liễn thị danh sơn” (Nghĩa là “Đại tổng cục thiên văn xứ Đông Pháp/ Núi (Đẩu) danh tiếng tỉnh Phù Liễn xứ Bắc Kỳ).
Khi hỏi chuyện canh trực ở đài, chị Hồng Lê kể về “nhịp điệu” hằng ngày cứ 3 tiếng một lần, quan trắc viên phải lấy các thông số về nhiệt độ, tốc độ gió, áp suất, lượng mưa... gửi về trung tâm. Trên cơ sở tập hợp số liệu của các trạm khí tượng, đài sẽ đưa ra thông tin dự báo thời tiết. Công việc có những đặc thù vất vả, thậm chí nguy hiểm khi trời mưa bão, sấm sét nhưng anh chị em trên trạm vẫn luôn động viên nhau rằng dễ mấy người được “làm bạn” với trời mây.
Nhận thấy những giá trị về du lịch nơi đây, từ năm 2001, TP Hải Phòng đã quy hoạch dự án xây dựng công viên rừng đồi Thiên Văn, trong đó Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đông Bắc và Bảo tàng thiên văn Việt Nam là một điểm nhấn quan trọng nằm trong quần thể du lịch thung lũng Tây Sơn, núi Thiên Văn, thu hút du khách đến tham quan trải nghiệm, tìm hiểu thông tin về khí hậu, thời tiết...
Đứng trên đỉnh đồi Thiên Văn lộng gió, chúng tôi ngắm được cảng Hải Phòng, cảng chùa Vẽ, dải Kỳ Sơn-Tràng Kênh, dải An Lão-Đồ Sơn. Đến đây lại nhớ tích xưa Hưng Đạo Đại vương từng dừng chân trên đỉnh Đẩu Sơn này cắm một cây kiếm lệnh thề diệt giặc thù bên dòng Bạch Đằng Giang.
Những địa tầng văn hóa, lịch sử cùng cảnh sắc, con người nơi này đã góp phần tạo nên danh thơm “Bắc Kỳ Phù Liễn thị danh sơn”. Điều đó minh chứng cho lời cậu bạn tôi lúc mới gặp rằng về Hải Phòng tìm núi để leo quả là độc đáo.
Bài và ảnh: ĐỨC NAM