Sau hơn nửa giờ ngồi xuồng máy, chúng tôi đặt chân lên bờ, dạo bước vào khu rừng với nhiều loại cây cổ thụ tỏa bóng xanh mát. Theo biển chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến thác Đầu Đẳng. Đây là dòng thác được hình thành từ sông Năng cách thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể khoảng 16km.

 Cảnh sắc thiên nhiên khu vực thác Đầu Đẳng (Ba Bể, Bắc Kạn).

Nước từ dòng sông Năng len lỏi dưới núi đá vôi Lũng Nham tạo thành động Puông. Hành trình của nước đến phía bắc xã Nam Mẫu thì gặp hàng trăm tảng đá lớn nhỏ chặn lại, sức nước mạnh vượt qua đá tạo thành thác. Là người thông thạo địa hình, anh Triệu Văn Tuần giới thiệu thêm: “Dòng thác không chỉ đẹp về cảnh sắc mà còn có giá trị cung cấp nước cho hạ nguồn tưới tiêu. Nhờ có nguồn lợi thủy sản dồi dào từ dòng sông Năng nên bà con không chỉ đủ dùng trong gia đình mà còn để bán phục vụ khách du lịch”.

Sau chặng đường khám phá thác Đầu Đẳng, chúng tôi dừng chân nghỉ ở bìa rừng, thưởng thức đặc sản của bà con địa phương. Ngồi trong lán nhỏ nướng những xâu cá, tôm trên than hồng, bà Nông Thị Bàn ở bản Bó Lù, xã Nam Mẫu, cho biết: “Toàn bộ hàng bán ở đây đều là sản phẩm người dân chúng tôi đánh bắt. Nhiều khách đã mua về để làm quà. Chúng tôi rất mừng khi có nhiều đoàn đến tham quan thác Đầu Đẳng, qua đó giúp người dân có thêm thu nhập”. Các đoàn khách du lịch khi đến thác Đầu Đẳng đều rất thích thú, bởi ngoài việc được ngắm cảnh đẹp thì còn được thưởng thức đặc sản địa phương và tìm hiểu đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây. Bà con cũng rất phấn khởi khi được tham gia các hoạt động phục vụ du lịch và nhiều loại nông sản do mình làm ra được tiêu thụ, góp phần cải thiện cuộc sống. Ông Ngôn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu cho biết: “Với lợi thế thiên nhiên hoang sơ của thác Đầu Đẳng, chúng tôi khuyến khích đồng bào làm du lịch cộng đồng. Hiện tại trong xã, người dân đã xây dựng hàng chục homestay để phục vụ khách lưu trú, qua đó thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, góp phần thúc đẩy du lịch, dịch vụ, nâng cao đời sống của đồng bào”.

Bài và ảnh: THƯ NGỌC