Phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với ông Trương Công Ngàn, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, về những nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương trong phát triển du lịch.
 |
Ông Trương Công Ngàn. |
Phóng viên (PV): Chỉ trong mấy ngày hội, hàng vạn du khách đã tìm đến Tiên Yên tham quan, mua sắm… Ông có thể lý giải vì sao Tiên Yên ngày càng trở nên hấp dẫn du khách gần xa?
Ông Trương Công Ngàn: Phát triển du lịch, dịch vụ cần nhiều yếu tố, trước hết là sự quan tâm, đầu tư của UBND tỉnh Quảng Ninh và các bộ, ban, ngành. Việc bê tông hóa đường đến các bản làng xa xôi nhất, hoàn thành thi công hồ chứa nước Khe Cát có trị giá 400 tỷ đồng chứa được 6,5 triệu mét khối nước… là nền tảng cơ sở vật chất quan trọng để Tiên Yên phát triển dịch vụ, du lịch.
Ngoài điều kiện địa lý tự nhiên ưu đãi, văn hóa truyền thống giàu có, điều quan trọng là tinh thần quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiên Yên trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phấn đấu trở thành điểm sáng mới của du lịch Quảng Ninh. Chúng tôi xác định lấy nông nghiệp làm nền tảng, đưa dịch vụ du lịch là lĩnh vực đột phá. Tiên Yên hướng đến phát triển thành trung tâm dịch vụ, du lịch trong đó quan tâm đến các điểm dừng chân cho du khách để giới thiệu sản phẩm của địa phương. Từng bước quy hoạch theo đúng chủ trương, chỉ đạo để tiến hành tái lập thị xã Tiên Yên trong thời gian sớm nhất. Đáng mừng nhất là chính quyền đã tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia tích cực, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
 |
Ban tổ chức giới thiệu với du khách đặc sản gà Tiên Yên tại Lễ hội ẩm thực gà Tiên Yên. Ảnh: TRẦN HOÀNG. |
PV: Đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 50% dân số của huyện, đa dạng về bản sắc văn hóa, “mỏ vàng” này được địa phương gìn giữ và phát huy như thế nào, thưa ông?
Ông Trương Công Ngàn: Ở vùng đông bắc tỉnh Quảng Ninh, đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ lớn, nhưng phong tục tập quán, nhiều nét văn hóa của bà con, như: Chữ viết, trang phục, các làn điệu dân ca… dần mai một, chỉ còn trong trí nhớ của một vài nghệ nhân cao tuổi. Chúng tôi luôn xác định, muốn phát triển du lịch, dịch vụ bền vững phải dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc. Riêng với huyện Tiên Yên, chính quyền đã hỗ trợ tối đa đồng bào gìn giữ văn hóa truyền thống, như: Nghiên cứu bài bản, khoa học, từng bước phục dựng sinh hoạt văn hóa, trang phục; mở lớp truyền dạy tri thức dân gian cho các học sinh dân tộc tại trường học; xây nhà văn hóa gắn với phục dựng các lễ hội; bổ sung nhiều tài liệu, hiện vật làm phong phú thêm bảo tàng các dân tộc vùng đông bắc tỉnh Quảng Ninh… Việc tổ chức Tuần Văn hóa-Thể thao các dân tộc vùng đông bắc Quảng Ninh cũng nhằm mục đích "đánh thức" đồng bào biết yêu, biết quý giá trị văn hóa dân tộc mình. Chúng tôi không vội vàng phát triển “nóng” du lịch mà trước hết phải phục dựng văn hóa đồng bào DTTS. Tiếp tục hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, chất lượng cao; đồng thời đưa du lịch cộng đồng đến những nơi thích hợp để cải thiện đời sống.
PV: Huyện Tiên Yên có biển, có rừng, nơi giao thoa, kết nối văn hóa nhiều dân tộc. Lợi thế là rất nhiều, vậy Tiên Yên sẽ phát triển du lịch theo hướng nào?
Ông Trương Công Ngàn: Chúng tôi xác định, chỉ ngân sách Nhà nước không thể đẩy nhanh phát triển du lịch và dịch vụ mà cần phải kêu gọi xã hội hóa. Trước mắt, Tiên Yên mong muốn phát triển thành trung tâm dịch vụ dừng nghỉ mua sắm, muốn vậy phải có chợ, siêu thị, trung tâm mua sắm hiện đại. Tiên Yên đã có 3 điểm dừng nghỉ hiện đại và sắp tới sẽ có thêm trung tâm mua sắm do doanh nghiệp tư nhân đầu tư.
Huyện Tiên Yên đã kết nối với các đơn vị làm du lịch đưa các tour du lịch đến phố đi bộ vào thứ bảy, chợ phiên Hà Lâu vào chủ nhật gắn với các điểm du lịch trên địa bàn: Thác Pạc Sủi, rừng ngập mặn Đồng Rui và mũi Lòng Vàng, Trung tâm văn hóa các dân tộc vùng đông bắc, hồ Khe Cát… Định hướng của Tiên Yên là phát triển toàn diện các loại hình, phương thức du lịch, từ đó tạo thu nhập cho chính người dân, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống, bảo vệ cảnh quan môi trường.
PV: Trong hướng phát triển du lịch, dịch vụ, huyện Tiên Yên sẽ kết nối với các địa phương khác như thế nào, thưa ông?
Ông Trương Công Ngàn: Tiên Yên là huyện trung tâm vùng phía đông tỉnh Quảng Ninh, nơi trung chuyển, phụ trợ cho TP Móng Cái, TP Cẩm Phả... nên cần phải liên kết chặt chẽ với các địa phương khác để cùng thực hiện những mục tiêu chung, ví dụ cùng bán các đặc sản, sản phẩm trong chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), gìn giữ các giá trị văn hóa đồng bào dân tộc… Tới đây khi có đường cao tốc và hệ thống giao thông đồng bộ kết nối, từ trung tâm Tiên Yên đến Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn chỉ mất 15 phút di chuyển nên sẽ đón lượng lớn khách du lịch. Huyện Tiên Yên nằm sát khu kinh tế Vân Đồn nên thời gian tới huyện sẽ nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của cấp trên trong việc quy hoạch, phân khu chức năng, vùng đệm cho khu kinh tế Vân Đồn.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
TRẦN HOÀNG HOÀNG (thực hiện)