Thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam đang có sự trở lại ấn tượng sau đại dịch Covid-19. Tính đến hết tháng 6-2022, tổng lượt khách nội địa đạt 60,8 triệu lượt (vượt kế hoạch đề ra cho cả năm 2022), tăng 30% so với cùng kỳ năm 2019 (trước đại dịch Covid-19).

Tuy nhiên, những kết quả ấn tượng này chủ yếu là từ du lịch nội địa, còn đối với du lịch quốc tế, mặc dù đã có nhiều chính sách để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam nhưng kế quả chưa như kỳ vọng. Đến hết tháng 7-2022, Việt Nam mới đón được 733.000 lượt khách quốc tế, chỉ đạt 15% kế hoạch năm 2022 và bằng 8% cùng kỳ năm 2019.

leftcenterrightdel
Quang cảnh diễn đàn.

Tại diễn đàn, các chuyên gia, đại biểu đã cùng trao đổi về xu hướng phát triển du lịch quốc tế sau những ảnh hưởng to lớn của đại dịch. Ngành du lịch trong nước phải thay đổi để phục hồi nhanh và bền vững về du lịch quốc tế. Trong đó, từ ứng dụng công nghệ mới trong xúc tiến, xây dựng sản phẩm, phát triển các dịch vụ du lịch mới đến phát huy thế mạnh về ẩm thực, nghỉ dưỡng hàng đầu. Các doanh nghiệp cần hợp tác, liên kết để xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt giúp đưa Việt Nam trở thành điểm đến được yêu chuộng của du khách quốc tế và làm lan tỏa hình ảnh của Việt Nam đến toàn cầu.

Nhiều giải pháp để phục hồi và thúc đẩy thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong bối cảnh mới đã được đưa ra tại diễn đàn như: Đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư phát triển các loại hình sản phẩm du lịch, nhất là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch trải nghiệm cộng đồng, theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững, đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách du lịch trong giai đoạn mới, thúc đẩy sáng tạo trong sản phẩm và dịch vụ du lịch, tăng sức cạnh tranh cho các điểm đến trong nước… Đồng thời, nghiên cứu, tăng cường hợp tác, kết nối tour, tuyến, phát triển sản phẩm du lịch mới với các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh thông qua xây dựng mô hình du lịch mới nhằm tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm du lịch cạnh tranh.

leftcenterrightdel
 Các chuyên gia chia sẻ, trao đổi thông tin tại diễn đàn.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch kiến nghị rằng, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định, hướng dẫn bảo đảm an toàn dịch bệnh của ngành du lịch, đổi mới chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch chủ động triển khai kế hoạch, đề án phục hồi, phát triển sản phẩm du lịch mới lạ, đặc sắc. Ngoài ra, thúc đẩy xu hướng du lịch không tiếp xúc thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo trong phục vụ du lịch.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, mặc dù số lượng khách du lịch quốc tế thấp hơn khách nội địa nhưng lại chiếm phần lớn doanh thu của ngành du lịch. Do đó, phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam không chỉ là yêu cầu cấp bách của hơn 40.000 doanh nghiệp và hơn 2 triệu lao động du lịch, mà còn là yêu cầu cấp bách của hàng triệu người dân và hàng chục ngàn cơ sở dịch vụ trong cả nước đang làm kinh tế dựa vào ngành du lịch.

Tin, ảnh: HÙNG KHOA